Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 03:10
Thứ hai, 09/09/2024 21:09
TMO – Các địa phương cần tiếp tục kiểm tra cầu cống, đê điều, phát hiện những vùng nguy cơ cao bị sạt lở để gia cố kịp thời. Đồng thời, phối hợp tốt trong việc xả lũ; khẩn trương khắc phục giao thông, thông tin liên lạc, điện lực; tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an, y tế, giao thông tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn nhất là các vùng khó khăn; khôi phục các cơ sở y tế, giáo dục, đảm bảo vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, tại cuộc họp chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất diễn ra vào chiều 9/9, sau khi nghe báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại sau bão số 3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão. Đồng thời yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra với 5 mục tiêu.
Cụ thể: Tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số; Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; Khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; Thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời; Ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn. Sử dụng các phương tiện, biện pháp để tiếp cận nhanh những vùng bị chia cắt do lũ lụt. Bên cạnh những việc đã phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.
Các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó phân công rõ ràng việc hỗ trợ đối với các địa bàn trọng điểm về thiệt hại, nguy hiểm, cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau… Bên cạnh việc kịp thời hỗ trợ, chăm lo đời sống của người dân, cần quan tâm đầy đủ về phương tiện, đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Tiếp tục kiểm tra cầu cống, đê điều, phát hiện những vùng nguy cơ cao bị sạt lở để gia cố kịp thời. Các địa phương cần phối hợp tốt trong việc xả lũ; khẩn trương khắc phục giao thông, thông tin liên lạc, điện lực; tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an, y tế, giao thông tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn nhất là các vùng khó khăn; khôi phục các cơ sở y tế, giáo dục, đảm bảo vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Cũng trong ngày 9/9, Chính phủ quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương 2024 cho 5 tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3 để ổn định đời sống người dân. Theo quyết định, tỉnh Nam Định, Hải Dương, Yên Bái được hỗ trợ 20 tỷ đồng; Thái Bình 30 tỷ đồng; Hưng Yên 10 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu các địa phương sử dụng số tiền nêu trên đúng mục đích, tiết kiệm, không để lãng phí. Hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng tự cân đối nguồn lực địa phương khắc phục hậu quả bão. Vì vậy, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ khi hai nơi này có đề xuất.
Đây là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3. Theo thống kê, tỉnh Thái Bình có 18.000 ha lúa bị nghiêng, đổ, úng ngập nước. Hơn 3.200 ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng. Hơn 1.200 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Nam Định có 5.000 ha lúa và 230 ha cây hoa màu bị ảnh hưởng nhẹ; 130 ha ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Yên Bái hơn 400 nhà ở và 600 ha cây trồng bị thiệt hại. Hải Dương có 10.000 ha lúa bị đổ, 1.600 ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600 ha cây ăn quả bị gãy đổ.
Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 3. Ảnh minh họa.
LÊ HÙNG
Bình luận