Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ ba, 05/07/2022 12:07
TMO - Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, đời sống người dân.
Tại tỉnh Hậu Giang, ngày 4/7 Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, địa phương này vừa xảy ra một vụ sụp đất, sạt lở bờ kênh. Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 2h30 ngày 3/7, tại khu vực dạ cầu Cái Côn, thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành với chiều dài sạt lở 35m, tổng diện tích sạt lở ước tính hơn 500m2. Vụ sạt lở khiến 4 căn nhà của 3 hộ dân bị đẩy xuống sông, ước tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Căn nhà của hộ dân bị sụp lún xuống lòng sông. Ảnh: H. Thu
Huyện Châu Thành nằm ngay sát sông Hậu, hiện đang là điểm nóng của các vụ sạt lở trên địa bàn Hậu Giang. Tính từ đầu năm đến nay, tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang xảy ra 16 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 425m, tổng diện tích đất bị sạt lở là hơn 2.650m2.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu-Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với thị xã Tân Châu tích cực rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình rạn nứt đất dọc bờ sông Kênh Xáng, trên địa bàn thị xã Tân Châu.
Cụ thể, sáng 2/7, khu vực tổ 19, ấp Long Hiệp, xã Long An, thị xã Tân Châu xảy ra vụ rạn nứt đất, sạt lở với diện tích 240m2. Đoạn rạn nứt, sạt lở đất kéo dài 40m, ăn vào đất liền 6m. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định do bờ kênh thẳng đứng và ảnh hưởng của dòng chảy phá hoại kết cấu đất bờ, gây ra hiện tượng sạt lở tạo hàm ếch. Tình trạng rạn nứt, sạt lở tuy không gây thiệt hại về người nhưng có nguy cơ sạt lở rất cao.
Trước đó, ngày 29/6, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Kết quả khảo sát cho thấy, có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 104 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng chiều dài hơn 800m.
Khu vực sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Ảnh: Thanh Dũng
Tại Cà Mau, theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến ngày 20/6 tỉnh đã có gần 50 vị trí sụt lún, sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài khoảng 1.000m, làm hư hỏng gần 30 nhà dân và 500m lộ nông thôn, cùng một số tài sản có giá trị của người dân. Nhiều vụ sạt lở xảy ra ở ngay khu vực họp chợ, khu vực đông dân cư hoặc ngã ba sông-những vị trí kinh doanh, buôn bán sầm uất.
Tại Sóc Trăng, huyện Kế Sách là một trong những địa phương của tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông do địa phương này có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và có nhiều địa bàn nằm ven sông Hậu.
Tình hình sạt lở tại tỉnh Sóc Trăng ngày càng diễn biến nghiêm trọng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kế Sách, từ đầu năm đến nay, địa bàn đã ghi nhận 11 đoạn bị sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn với chiều dài trên 470m. Đến nay, huyện đã xử lý sạt lở được 3 đoạn, còn lại 7 đoạn, chiều dài trên 370m do chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục.
Sụt lún đất gây ra sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vào mùa khô, ngập lụt đô thị vào mùa mưa ở hầu hết đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, toàn vùng có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, trong đó có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài gần 150 km.
Trước mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động các phương án ứng phó với sạt lở. Theo đó, các tỉnh đều khẩn trương ban bố tình trạng sạt lở khẩn cấp đối với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Đồng thời, triển khai các giải pháp trước mắt như gia cố, đầu tư các dự án xây kè chống xỏi lở, sạt lở đê sông, đê biển, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân khu vực xảy ra sạt lở.
\
Các địa phương triển khai kè rọ đá hạn chế tối đa tình trạng sạt lở
Các chuyên gia đánh giá, tác động của khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, cần phải quản lý việc khai thác nước ngầm, sử dụng nước hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất. Về lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường sử dụng nước mặt ở các sông, kênh rạch để thay thế sử dụng nước ngầm.
Mạnh Dũng
Bình luận