Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 05:01
Thứ hai, 09/09/2024 08:09
TMO – Nhiều địa phương có tiềm năng phát triển cây sâm, bởi sản phẩm sâm mang lại giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay là việc canh tác sâm mỗi nơi một kiểu khiến việc xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu quý này đang rất khó khăn.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sâm Việt Nam là loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu có công dụng và giá trị cao. Hiện nay ở một số địa phương đã và đang nuôi trồng phát triển sâm và đã có một số mô hình thành công. Dược tính của sâm theo nghiên cứu trên sâm Ngọc Linh được xếp vào một trong bốn loại sâm tốt nhất thế giới với số lượng Saponin cao hơn nhiều so với các loại sâm khác.
Phát triển giống sâm Việt Nam hiện tập trung theo hai hình thức là nhân giống từ hạt và nhân giống vô tính. Nhân giống từ hạt giống của cây mẹ tại các vườn giống tại tỉnh Lai Châu (Sâm Lai Châu), Kon Tum và Quảng Nam (Sâm Ngọc Linh). Nhân giống vô tính được thực hiện tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum và Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam... Nhằm xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo chuỗi sản phẩm.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, điều khó nhất hiện nay là việc canh tác sâm mỗi nơi một kiểu khiến cho việc xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu quý này rất khó khăn. Việt Nam phải sớm định hình và thống nhất truyền thông về thương hiệu sâm Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm vươn được ra thế giới như sâm Hàn Quốc. Đối với công đoạn trồng, nếu như trồng trong nhà màng, rất cần có quy trình để các địa phương áp dụng. Nếu trồng dưới tán rừng thì phải có tiêu chuẩn quốc gia về trồng sâm dưới tán rừng để làm sao không ảnh hưởng đến rừng mà cây sâm vẫn phát triển được.
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam phải thực hiện thâm canh đối với cây sâm mới có thể cho năng suất cao. Bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam. Nhìn từ bài học của Hàn Quốc về phát triển cây sâm, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước, cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước. Đồng thời phải thay đổi tư duy. Chúng ta phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng. Chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng.
Được biết, ngành nông nghiệp và các địa phương đang quy hoạch và thực hiện phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam tập trung. Trong đó, gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu sâm với diện tích khoảng 21.000 ha. Vùng nguyên liệu này tập trung ở các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên bởi đây là những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây sâm.
Quy mô và địa điểm cụ thể được xác định trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, quỹ đất, hiệu quả về kinh tế-xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường của mỗi địa phương. Ðồng thời, lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với toàn bộ diện tích sâm của các tổ chức, cá nhân theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đã phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gien sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Ðịnh hướng đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới…/.
LÝ LAN
Bình luận