Hotline: 0941068156
Thứ ba, 13/05/2025 20:05
Thứ ba, 13/05/2025 11:05
TMO - Tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý các hành vi xây dựng lấn chiếm vi phạm đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Công văn số 2271/BNN-TL ngày 29-3-2024 và của UBND tỉnh tại Công văn số 2512/UBND-KT ngày 2-5-2024...
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi, đê điều. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều theo quy định; UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý.
Chủ trì, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê, phân loại các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, xả thải vào công trình thủy lợi khi thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án có liên quan đến hệ thống công trình thủy lợi; rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép theo quy định Luật Bảo vệ môi trường.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ngành công an tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền; phối hợp với UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều theo quy định.
Sở Xây dựng: Theo dõi chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan thống nhất về quy mô công trình và các biện pháp tưới, tiêu đảm bảo nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong quá trình thi công; yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
(Ảnh minh họa).
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi: Chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi; có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (điểm c khoản 2 Điều 42; khoản 11 Điều 54 của Luật Thủy lợi và khoản 4 Điều 210 của Luật Đất đai năm 2024; khoản 2, 3 Điều 97 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).
Xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi (ưu tiên thực hiện đối với các công trình có nguy cơ xảy ra vi phạm lấn, chiếm phạm vi bảo vệ); chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc chỉ giới trên thực địa, bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Thủy lợi; khoản 5 Điều 210 của Luật Đất đai năm 2024...
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; kịp thời phát hiện các vi phạm phát sinh, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra theo đúng quy định của pháp luật, không để vi phạm tồn đọng, tái vi phạm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm gây ô nhiễm chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi.
Xây dựng và ban hành phương án cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý (ưu tiên thực hiện đối với các công trình có nguy cơ xảy ra vi phạm lấn, chiếm phạm vi bảo vệ) theo phân cấp quản lý; chỉ đạo UBND cấp xã công bố công khai mốc chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc chỉ giới trên thực địa, bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Thủy lợi...
Chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đê điều theo kiến nghị của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (khoản 4 Điều 210 của Luật Đất đai năm 2024) và Hạt Quản lý đê; ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi (điểm h khoản 3 Điều 57 của Luật Thủy lợi); phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình (khoản 2, 3 Điều 97 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP);
Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo UBND cấp huyện xử phạt theo quy định của Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4-10-2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.../.
Hà Vân
Bình luận