Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 18/12/2023 15:12
TMO - Nhờ giá thành rẻ, mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng loại thuốc này cùng với vỏ, bao bì đựng không được thu gom, xử lý đúng cách, kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (nước, đất), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Không thể phủ nhận việc thuốc BVTV mang tới nhiều lợi ích trong nông nghiệp như tránh sâu bệnh gây hại cho cây trồng, mùa màng tăng năng suất. Tuy nhiên thực tế hiện nay người dân sử dụng thuốc BVTV quá nhiều thiếu kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt sản xuất, điển hình như làng hoa Tây Tựu.
Theo quan sát, làng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rộng khoảng 200ha, là nơi có truyền thống trồng sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trồng hoa cung cấp cho khu vực nội thành Hà Nội và một số địa bàn lân cận. Đây đều là những loại cây trồng cần sử dụng thuốc BVTV để phòng ngừa, loại trừ sâu bệnh phá hoại.
Theo Quy định, khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ dẫn chuyên môn và theo hướng dẫn ghi ngoài nhãn mác.
Hình ảnh ghi nhận ngày 8/12/2023 tại làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các loại vỏ, chai nhựa, thuỷ tinh, bao bì từ mới đến cũ, thậm chí đã bạc màu vứt ngổn ngang trên mặt đất, chìm nổi trong kênh mương.
Bà Nguyễn Thị N (người trồng hoa Tây Tựu) cho biết: “Mùa trồng hoa năm nay do thời tiết thất thường nên hoa không được đều, sâu bệnh phá hoại nên cứ 5 ngày đến 1 tuần tôi phải phun thuốc trừ sâu một lần. Với thuốc phèn giữ lá tầm 4, 5 ngày đã phải phun, không sẽ bị héo, nấm lá hết".
Khi được hỏi các loại vỏ thuốc BVTV khi sử dụng xong để ở đâu, thì câu trả lời nhận được: “Có thu gom nhưng ít, hầu hết tiện đâu vứt đó cho nhanh. Vứt ở bờ ruộng hay ngay mương lấy nước chứ biết bỏ ở đâu bây giờ ?!”. Hỏi thêm nhiều nông dân khác, đa phần họ cho biết dù biết rác thải thuốc BVTV là nguy hại nhưng đều không có thói quen gom vỏ lại.
Không chỉ vứt vỏ bao bì tùy tiện, bừa bãi, trong quá trình pha chế sử dụng, chất phèn dư thừa vương vãi dưới đất, dưới mương.
Dư lượng thuốc vẫn còn sót lại trong vỏ với hàm lượng độc tố cao ngấm vào đất và phát tán ra nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Theo số liệu (năm 2018) của Cục Y tế dự phòng, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các cơ sở y tế.
Theo các chuyên gia, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Do đó, cần phổ biến, tuyên truyền đầy đủ cho người nông dân về tác hại của thuốc BVTV nếu sử dụng quá nhiều và sử dụng không đúng cách cũng như quy định về thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV để giảm nguy cơ ô nhiễm, đồng thời, vận động nông dân chuyển sang dùng thuốc BVTV sinh học.
Thuốc BVTV sinh học là loại ít độc tố, phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn T (65 tuổi, nông dân làng Tây Tựu) chia sẻ: “Mặc dù biết những tác hại từ thuốc BVTV thông thường nhưng vẫn sử dụng do có giá thành rẻ, dễ tìm mua và khả năng diệt sâu bệnh nhanh, triệt để hơn so với thuốc sinh học”.
Theo quan sát, mặc dù Tây Tựu là nơi sản xuất nông nghiệp quanh năm, thế nhưng nơi đây không có bể chứa, thùng đựng thu gom vỏ thuốc BVTV.
Rất mong các cấp chính quyền địa phương có phương hướng xử lý kịp thời như: trang bị bể, thùng đựng…để thu gom vỏ thuốc BVTV, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách và thu gom vỏ thuốc BVTV đúng quy định.
Theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì sẽ bị phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;
b) Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT quy định như sau: Vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại".
NGUYỄN PHƯƠNG
Bình luận