Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 18:11
Thứ hai, 20/03/2023 14:03
TMO - Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nêu rõ: Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững; là nơi đòi hỏi từng địa phương chủ động phát huy thế mạnh của mình - điều kiện cần, song, điều kiện đủ chính là liên kết vùng nhằm đảm bảo sự hài hòa và gia tăng sức mạnh cho từng địa phương trong việc đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia với việc chủ động, tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng quản lý hiệu quả và tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường.
TP. Quy Nhơn, Bình Định
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam nêu rõ: "Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn". Chính phủ đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Thích ứng toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể, Nghị quyết 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Nghị quyết 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đạt được những kết quả có tính đột phá, bứt phá, cần nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm các tỉnh, thành phố (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Thiên Hương
Bình luận