Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 13/02/2024 07:02
TMO - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Phân bón là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng không đúng kỹ thuật phân bón vô cơ (hóa học) sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, gây hại đến sức khỏe con người, sinh vật có ích, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Việc chuyển đổi sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ được coi là giải pháp tối ưu, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
thống kê, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vào khoảng 10 triệu tấn/năm và 75% trong số đó là phân bón vô cơ. Mức độ sử dụng phân bón của nước ta cao hơn nhiều quốc gia và gấp ba lần trung bình của thế giới. Tình trạng bón phân mất cân đối, không đúng kỹ thuật là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu suất sử dụng phân bón thấp, chỉ đạt 40-45% đối với phân đạm, 25-30% đối với phân lân và 55-60% đối với phân kali. Điều này gây thất thoát kinh tế, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, tăng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
Sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm. Ảnh: TV.
Số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) đã được công nhận lưu hành ở nước ta hiện vào khoảng hơn 7.000 sản phẩm, chiếm 27% tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành. Công suất sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay là 4,8 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trên thực tế ngành phân bón mới chỉ đáp ứng được khoảng 10-25% nhu cầu về phân hữu cơ.
Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, những năm qua, phân bón hữu cơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do nước ta chưa có chính sách mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm việc quản lý sử dụng phân bón, chưa có các chính sách để khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ dẫn tới không thu hút được doanh nghiệp đầu tư sản xuất cũng như người dân sử dụng phân bón hữu cơ.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ, mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên hơn 30% so với tổng số sản phẩm phân bón.
Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm. Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn). Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
Sử dụng phân bón hữu cơ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường.
Theo Đề án, tầm nhìn đến 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón. Trong đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, công nhận lưu hành phân bón hữu cơ thuộc trường hợp không phải khảo nghiệm theo quy định pháp luật để phát triển bộ sản phẩm phân bón phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại.
Phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ. Chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất; chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt như: chất thải chăn nuôi, phụ phẩm trồng trọt, than bùn...; tăng cường áp dụng cơ giới và công nghệ tiên tiến trong việc bón phân hữu cơ. Nghiên cứu tỷ lệ bón phân cân đối vô cơ-hữu cơ, các công thức phân bón sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp với từng chân đất, loại cây trồng hoặc thời vụ khác nhau trên cơ sở đánh giá thực trạng phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng, tình trạng thất thoát dinh dưỡng... để giảm giá thành, nâng cao giá trị nông sản...
Thu Hương
Bình luận