Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ sáu, 25/10/2024 14:10
TMO – Ngành dược liệu đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01 - 02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Tuy nhiên, việc triển khai hiện gặp không ít khó khăn.
Những khó khăn
Bộ Y tế được giao đầu mối triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được triển khai thí điểm 22 dự án trên địa bàn 22 huyện của 21 địa phương.
Thời gian qua, cơ quan này đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và trả lời các khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Về triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại các địa phương, kinh phí trung ương cũng đã phân bổ cho các tỉnh được lựa chọn triển khai vùng trồng dược liệu quý năm 2021- 2023 là 560,603 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở một số địa phương chưa phân bổ nguồn vốn đến huyện triển khai thực hiện dự án như đề xuất ban đầu, một số địa phương phân bổ cho nhiều huyện cùng triển khai thực hiện nội dung… dẫn đến nguy cơ nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung được nguồn lực hình thành vùng nguyên liệu tập trung, dẫn đến khó thu hút, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Được biết, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi 21 địa phương về việc hỗ trợ, xây dựng dự thảo thông báo lựa chọn chủ trì liên kết trên cơ sở kết quả phối hợp khảo sát, đánh giá, hoàn thiện kế hoạch phát triển dược liệu cho 21 địa phương triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 16/22 huyện ban hành thông báo lựa chọn chủ trì liên kết. Trong đó, một số địa phương sau khi thông báo lựa chọn chủ trì liên kết thực hiện dự án có thông báo tạm dừng tiếp nhận hồ sơ do cần hoàn thiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc ban hành mẫu hồ sơ, thủ tục trình tự, tiêu chí lựa chọn dự án.
Kỹ thuật viên hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc cây dược liệu.
Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện nay có khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu từ 60.000 - 80.000 tấn/năm nhưng thực tế chỉ cung cấp khoảng 15.600 tấn/năm. Tồn tại trong phát triển dược liệu hiện nay là chưa xây dựng được nhiều vùng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn theo GACP-WHO, chủ yếu quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, thiếu quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn, chất lượng; thiếu các cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn. Các sản phẩm từ dược liệu chưa đa dạng, sản lượng ít, thị trường tiêu thụ không ổn định. Do đó, để phát triển dược liệu, về khoa học công nghệ cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu. Nhân rộng việc áp dụng tiêu chuẩn GACP – WHO và tiêu chuẩn hữu cơ cho tất cả vùng trồng dược liệu tại địa phương.
Đối với giải pháp về phát triển chuỗi giá trị, cần hỗ trợ thành lập các HTX, các hiệp hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu. Tăng cường hợp tác, tạo liên kết 5 nhà bao gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng thương mại, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại.
Định hướng phát triển
Cũng theo các chuyên gia, phát triển bền vững ngành dược liệu tập trung phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng phát triển. Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu nhưng không vì thế mà bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu.
Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu. Cũng theo các chuyên gia, cần tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Trước đó, ngày 17/3/2021, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025: Thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 01 - 02 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Đến năm 2030: Thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn; Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD và mực tiêu đến năm 2045, Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
LÝ LAN
Bình luận