Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 27/12/2022 02:12
TMO - Thời gian qua quá trình phát trình kinh tế-xã hội đặc biệt là hoạt động du lịch tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) đã đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang đối diện với những áp lực về đảm bảo chất lượng môi trường và nguồn tài nguyên, đòi hỏi cần triển khai ứng dụng kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến các mục tiêu bền vững.
Huyện Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích tự nhiên khoảng 76 km2 và có gần 12.000 dân. Với vị trí chiến lược và là nơi lưu giữ hàng hoạt di tích lịch sử cách mạng, nhiều điểm du lịch tâm linh, các bãi tắm và khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Thời gian qua, dân số của Côn Đảo đã tăng lên đáng kể, đến nay, quy mô dân số đã đạt 12.000 người, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn khi chiếm gần 90% tổng thu hàng năm của địa phương. Hiện quy mô dân số tăng nhanh và đón lượng khách du lịch lớn khiến Côn Đảo gia tăng nhu cầu nước sạch, điện, nhu yếu phẩm...và đứng trước thách thức về môi trường khi lượng rác và nước thải gia tăng, tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, du lịch trên đảo. Cụ thể, sự phát triển nhanh của ngành du lịch - dịch vụ dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu nước sạch, năng lượng, nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời gia tăng mạnh lượng rác và nước thải trên địa bàn. Điều này hoàn toàn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và du lịch của đảo.
Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường được huyện Côn Đảo chú trọng. Ảnh: H.Lam
Huyện Côn Đảo dự kiến đến năm 2030 có khoảng 300.000 - 350.000 lượt khách một năm, Nhưng chỉ trong 11 tháng của năm 2022, huyện đảo đã đón hơn 500.000 lượt du khách. Ngoài ra, bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 hiện đang tồn hơn 70.000 tấn rác và diện tích còn lại chỉ còn khoảng 300m2, trong khi mỗi ngày Côn Đảo hiện phát sinh khoảng 15 tấn rác thải. Nước rỉ rác ngấm xuống đất đang tác động đến chất lượng nước, hệ sinh thái dưới nước gần bãi rác. Bên cạnh đó, Côn Đảo còn chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái quanh đảo như thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt dự trữ; nước biển dâng có thể xâm lấn sâu vào đảo; nước biển ấm lên dẫn đến các loài sinh vật mất sinh cảnh sống…
Thực trạng trên đang khiến huyện Côn Đảo đối mặt với hàng loạt những bài toán khó như: thiếu nước ngọt, thiếu điện, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng,… Trong khi diện tích của huyện đảo thì hạn chế, vị trí xa đất liền... Những điều này ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tương lai phát triển cho Côn Đảo.
Từ những thách thức trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022- 2026" nhằm tạo sự tăng trưởng đột phá cho huyện đảo này. Đề án đã đưa ra 6 mục tiêu áp dụng kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại huyện Côn Đảo gồm: không rác thải nhựa, tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn đạt 10 - 12% giai đoạn 2022 - 2026; tuần hoàn nước với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, tăng tỷ lệ tiết kiệm nước.
Đảm bảo nguồn nước sạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện. Ảnh: Q.Vũ
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng với mục tiêu là tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ xe điện phục vụ giao thông; bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu cụ thể là phục hồi, bảo tồn thiên nhiên, trong đó tập trung tăng diện tích trồng và phục hồi rừng, rạn san hô lên 10% - 20%; du lịch tuần hoàn với mục tiêu duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/ năm; giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn.
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy nhiều ý kiến cho rằng Côn Đảo cần phải xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa; có các chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền và chương trình hành động về môi trường... Huyện đảo cũng cần một nhóm giải pháp về nguồn nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn du lịch xanh...
Đức Trí
Bình luận