Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ năm, 10/02/2022 16:02
TMO - Các địa phương trên cả nước đang tận dụng tốt những thế mạnh về điều kiện tự nhiên để tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống kinh tế xã hội, thích ứng cao với vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng như hiện nay.
Ở nước ta, theo đặc trưng của hệ sinh thái nông nghiệp tại các vùng sinh thái, vùng dân cư, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã được khai thác tốt, phát huy giá trị và trở thành nét đặc trưng cho sản phẩm du lịch của các địa phương. Có thể kể đến các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái miệt vườn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái biển tại các khu nuôi hải sản tại Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), làng trồng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng trồng hoa và cây ăn trái công nghệ cao ven Đà Lạt (Lâm Đồng), làng vải Thanh Hà (Hải Dương), làng trồng nho Ninh Thuận…
Các vườn trồng nho tại Ninh Thuận trở thành địa điểm thu hút nhiều khách tham quan
Thời gian gần đây, việc xây dựng vùng chuyên canh, trang trại chuyên canh nông nghiệp phát triển đã tạo nên nhiều sản phẩm mới thu hút khách du lịch đến với du lịch sinh thái nông nghiệp như các trang trại trồng hoa tại Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng)…, đồng thời nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tạo dựng lễ hội để quảng bá, thu hút khách du lịch như Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội Na (Lạng Sơn), Lễ hội mận Mộc Châu (Sơn La), Lễ hội cây trái Nam Bộ (các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long)…
Nhiều vườn dâu tại Đà Lạt cũng đang phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp
Việc phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp đã tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người dân. Thông qua hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề tại nhiều vùng, miền đã tăng thêm giá trị thông qua giao dịch và tiêu thụ trực tiếp của khách du lịch không cần qua phân phối, giá trị gia tăng cao… đã tác động tích cực đến cuộc sống, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều khu du lịch sinh thái nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sản vật địa phương, công tác quản lý canh tác và bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý trật tự, an toàn xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng du lịch sinh thái nông nghiệp.
Để bảo đảm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế một cách đồng bộ và phát triển bền vững, du lịch sinh thái nông nghiệp cần được xác định rõ trong các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho đến quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch du lịch, quy hoạch phát triển làng nghề, sản phẩm đặc trưng và các quy hoạch chuyên ngành khác. Với định hướng phát triển đồng bộ các lĩnh vực, gắn với kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ đảm bảo quá trình phát triển phát huy được hiệu quả đồng bộ cả về du lịch, sản phẩm nông nghiệp với phương thức canh tác phù hợp, sản phầm làng nghề…
Cần thực hiện những chính sách đồng bộ để phát triển nền du lịch sinh thái nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Đối với du lịch sinh thái nông nghiệp thì các sản phẩm phần lớn được xây dựng trên cơ sở kết quả hoạt động canh tác nông nghiệp, vì vậy càng chịu tác động mạnh hơn. Vì vậy, trong việc phát triển loại hình sản phẩm du lịch này, công tác dự báo tác động của biến đổi khí hậu rất quan trọng. Nâng cao ứng dụng dự báo thời tiết (cả dài hạn và ngắn hạn) để điều chỉnh kịp thời hoạt động quảng bá, chương trình du lịch cụ thể là công việc rất cần được quan tâm và áp dụng đối với cả những người quản lý, người dân địa cung cấp sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp lữ hành.
Kinh nghiệm thực tiễn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cho thấy rằng thông qua du lịch, giá trị hàng hóa của nông sản gắn với cảnh quan nông thôn, truyền thống văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương được gia tăng nhiều lần so với giá trị hàng hóa thuần túy của nông sản, sản vật địa phương. Vì vậy, cần phát triển những giải pháp để không chỉhuy hiệu quả khi các sản phẩm đó mang tính đặc trưng cao, chất lượng đảm bảo, đồng thời được giới thiệu thông tin chi tiết, đầy đủ đến với khách du lịch qua các hình thức truyền thông.
Lê Huýnh
Bình luận