Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ sáu, 29/09/2023 07:09
TMO - Phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, thiếu nguồn cung năng lượng, áp lực của gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều có định hướng chính sách phát triển theo hướng xanh, thông minh, phát thải thấp hướng đến bền vững.
Tại Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, sự dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sức khỏe con người. Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau COP 26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.
TP.HCM đứng đầu cả nước với 67 công trình xanh. Ảnh: BB.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, chuyển đổi xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Hơn 1/3 công trình xanh ở Việt Nam đang tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số lượng công trình xanh với 67 công trình. Hà Nội xếp thứ hai với 40 công trình, nhưng diện tích sàn của Hà Nội lớn nhất cả nước, khoảng 1,6 triệu m2. Trong thời gian tới, tại các đô thị đang phát triển công nghiệp mạnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình xanh , dự án xanh…
TP. Hồ Chí Minh với 67 công trình, đứng đầu cả nước về số công trình xanh và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh, với tổng diện tích sàn được chứng nhận hơn 1,2 triệu m2. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp…
Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hằng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới. Đặc biệt, việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013, Nghị quyết số 29/NQ-TW và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành Xây dựng và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh.
Trong đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.
Vật liệu xanh như các tấm panel cách nhiệt được sử dụng thay thế cho gạch nung. Ảnh: QT.
Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong lĩnh vực sử dụng năng lượng, quá trình xây dựng và vận hành các công trình xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc. Do vậy, việc thúc đẩy công trình xanh trên toàn quốc cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/03/2019.
Ở góc độ chính quyền địa phương, UBND TP.HCM cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định và kế hoạch, đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các sở ngành liên quan phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động của xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng như trong công trình xây dựng. Mới đây, TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đã thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp với chủ đề: “Tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, qua đó nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo số liệu nghiên cứu và đánh giá do Bộ Xây dựng cung cấp, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 đến 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Do đó, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho các các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhanh hơn. Theo đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức tài chính để hình thành các quỹ, gói tín dụng xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng, môi trường, đến các chủ đầu tư dự án, công trình đạt tiêu chí công trình xanh, giảm phát thải… có thể tiếp cận nguồn tín dụng này.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 bao gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo tăng cường năng lực, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó các hoạt động cao điểm diễn ra vào ngày 27-28/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các hoạt động chính, trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động bên lề như: Toạ đàm trao đổi chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh, các hội thảo, khóa đào tạo chuyên sâu, chương trình tham quan thực địa, giải thưởng báo chí cho các tác phẩm báo chí tiêu biểu về công trình xanh, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên…
Đây là sự kiện lớn, uy tín, được tổ chức thường niên, năm nay thu hút 1.000 đại biểu tham gia hội thảo và triển lãm trong các lĩnh vực như tư vấn thiết kế, kiến trúc, bất động sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản phẩm cơ điện, sản phẩm nội thất xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp…
Thanh Hải
Bình luận