Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 14:10
Thứ năm, 11/07/2024 14:07
TMO - Được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tập trung triển khai xây dựng nhà chống chịu bão, lụt cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển. Việc có ngôi nhà kiên cố, vững chắc đã giúp người dân yên tâm chống chịu với bão, lụt…
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) gọi chung là Dự án GCF, được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế từ năm 2018-2024 gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 về xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt, Hợp phần 2 về trồng rừng ngập mặn được thực hiện trong năm 2024 và Hợp phần 3 về quản lý hệ thống thông tin rủi ro thiên tai.
Đối với hợp phần hỗ trợ nhà ở chống chịu bão lụt, trong đó giai đoạn 2018 - 2021 đã triển khai thực hiện hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 581 nhà. Giai đoạn 2022-2024 thực hiện bổ sung thêm 150 căn nhà; nâng tổng số nhà ở chống chịu bão, lụt trên địa bàn tỉnh 731 căn nhà. Hợp phần 2 về trồng rừng ngập mặn, năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế được bổ sung thực hiện hợp phần 2 về trồng rừng ngập mặn đến nay đã trồng mới được 22 ha rừng ngập mặn thuộc dự án GCF tại xã Hương Phong, thành phố Huế góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ, chắn sóng và bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.
Hợp phần 3 về quản lý thông tin, dữ liệu rủi ro thiên tai; hợp phần này do Ban quản lý dự án - Tổng cục phòng chống thiên tai và các chuyên gia tư vấn của UNDP phụ trách triển khai thực hiện, Ban quản lý dự án tỉnh đóng vai trò phối hợp, hỗ trợ thực hiện các nội dung đào tạo, tập huấn ở địa bàn tỉnh. Đã triển khai đào tạo, tập huấn trên địa bàn tỉnh được 04 lớp đào tạo cấp tỉnh và 80 lớp tập huấn quản lý, đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cấp xã, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Việc có ngôi nhà kiên cố, vững chắc đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh yên tâm chống chịu với bão, lụt…Ảnh: MT.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án GCF chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế, sau nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả các sở, ngành và toàn thể hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở liên quan, tinh thần trách nhiệm cao của thành biên Ban quản lý dự án đến nay dự án đã thực hiện thành công.
Dự án góp phần tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân tại những vùng thường xuyên bị thiên tai vùng duyên hải. Tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học. Thiết lập và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin rủi ro thiên tai và rủi ro khí hậu để hỗ trợ quá trình ra quyết định và lập quy hoạch, kế hoạch có tính tới các rủi ro và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Được biết, dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2017. Mục tiêu của dự án là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Dự án triển khai thông qua các hợp phần: nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng; tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch được thông tin rủi ro và chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự án được triển khai tại các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quãng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế và Cà Mau.
Trồng rừng ngập mặn góp phần tăng tỷ lệ che phủ và bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển. Ảnh: HN.
Bộ NN&PTNT cho biết, những mục tiêu cơ bản của dự án đã được thực hiện thành công và cơ bản 4 hợp phần của dự án đã được triển khai đầy đủ. Trong đó mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ 4.000 hộ dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt đã hoàn thành. Các hoạt động về rừng ngập mặn với diện tích hiện tại cũng cơ bản hoàn thành.
Mặc dù UNDP đã trợ giúp hoàn thành các nghĩa vụ tài chính cho các hoạt động đã cam kết trong năm 2021, dự án vẫn còn 3,5 triệu USD chưa sử dụng. Do vậy, để tận dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại còn dư này, trong khi kết quả thực hiện Hợp phần 1 Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt cho các hộ nghèo đạt hiệu quả cao, UNDP đã thống nhất với nhà tài trợ của dự án gia hạn việc thực hiện dự án đến tháng 7/2024. Theo đó, số tiền còn lại sẽ dùng để xây dựng thêm hơn 1.000 nhà an toàn và trồng thêm 103ha rừng ngập mặn.
Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên hàng năm Thừa Thiên - Huế thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Lũ lụt là thiên tai cực kỳ nguy hiểm có cường suất lớn, sức tàn phá khốc liệt, hàng năm gây nhiều thiệt hại cho Thừa Thiên – Huế. Là vùng thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các cấp đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình, xây dựng các kịch bản để ứng phó.
Tỉnh thực hiện chương trình nâng cấp hạ tầng nông thôn ở một số khu vực trọng điểm. Sửa chữa nâng cấp một số công trình giảm lũ như kè, cống, trạm bơm. Xây dựng một số công trình giảm lũ: nạo vét sông ngòi, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển. Chương trình tái thiết và giảm nghèo cho người dân sống ở ven biển và đầm phá. Xây dựng các trung tâm ứng cứu ở vùng ngập úng. Chương trình xây dựng chỗ trú ẩn tàu thuyền và cảng cá. Xây dựng công trình cấp nước nông thôn…
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh rà soát Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện Chương trình mục tiêu “Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư”.
Hồng Thắm
Bình luận