Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 22/11/2023 07:11
TMO - Trước dự báo về tình hình mưa lớn trong những ngày tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt, giảm đỉnh lũ vùng hạ du.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với đới gió Đông trên cao nên từ ngày 24-27/11 trên đất liền của tỉnh có mưa to, mưa rất to; cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Riêng các huyện Phú Lộc, Nam Đông lượng mưa cao hơn, có khả năng đạt 300-500mm, có nơi trên 800mm; gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ theo quy trình được phê duyệt trước 19 giờ ngày 24/11, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt, giảm đỉnh lũ vùng hạ du.
Các địa phương chủ động ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở tại những vùng tâm mưa lớn. Ảnh: HN.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên-Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải tỉnh tăng cường thời lượng thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đồng thời tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn trước ngày 25/11 (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển).
Các địa phương theo dõi sát diễn biến cập nhật tình hình thời tiết, rà soát phương án di dời dân ở khu vực nguy hiểm; triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, đặc biệt là công trình trên sông, cửa sông, ven biển kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vật tư thi công...
Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, từ tháng 10/2023 đến nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, lượng mưa phổ biến từ 1.500-1.700mm, có nơi trên 2.000mm, liên tục xảy ra nhiều trận lũ lớn. Đến nay, đất đã bão hòa nước nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, nhất là khi mưa lớn tiếp tục diễn ra. Sạt trượt đất đá là loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro rất cao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, đe dọa ổn định các công trình hạ tầng đê đập, đường sá, nhà cửa của nhân dân.
Thừa Thiên- Huế là địa phương có số lượng hồ đập thủy lợi, thủy điện khá lớn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 55 hồ chứa thủy lợi, trong đó 1 hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3; 2 hồ chứa có dung tích từ 10-100 triệu m3; 5 hồ chứa có dung tích từ 3-10 triệu m3; 48 hồ chứa nước loại nhỏ. Trước mùa mưa bão năm 2023, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 đập, hồ chứa nước.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.
Theo đánh giá của Hội đồng, quan sát bằng trực quan cho thấy một số hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, một số đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp. Một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp, cây cỏ mọc nhiều trên thân đập; các bảng tên công trình, biển báo nguy hiểm, cột thủy chí bị bong tróc...
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh tiến hành thực hiện kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa để cập nhật, bổ sung phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lụt bão công trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất và biện pháp tiến hành; phát hiện đối phó với các tình trạng khẩn cấp cho đập và khu vực hạ du, ngăn ngừa hạn chế tối đa tác hại khi sự cố xảy ra.
Tỉnh đang hướng đến xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo mưa bão từ tỉnh đến cán bộ cấp thôn, bản nhằm thông tin kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết. Sắp tới, tỉnh sẽ cân đối ngân sách, yêu cầu các chủ đập tiến hành kiểm định chất lượng các công trình hồ đập, lên kế hoạch kiểm tra, trang bị thêm các thiết bị dự phòng cho các hồ thủy lợi..
Chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, miền Trung có thể sắp phải đón một đợt mưa lớn từ khoảng ngày 25/11. Trước đó, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế: từ ngày 23 đến ngày 24/11 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Lượng mưa cao nhất có thể ghi nhận trong ngày cao hơn 500mm vào các ngày 26 và 27 tháng 11 ở khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và có thể tới Quảng Trị. Nguy cơ ngập lụt rất cao có thể xảy ra khi mà các ngày 27-28/11 rơi đúng vào khoảng thời gian trăng tròn, thuỷ triều đang rất cao khiến nước lụt từ trong đất liền khó thoát ra biển nhanh được. Nguy cơ sạt lở đất cũng xảy ra rất cao vì mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Đất ở các quả đồi ngấm đủ nước trở nên nặng và nhão khiến việc xảy ra sạt lở cao hơn.
Đức Minh
Bình luận