Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ ba, 03/12/2024 18:12
TMO - Một trong những giải pháp thu hút đầu tư là Thừa Thiên - Huế cần đổi mới, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 - 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 - 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7 - 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; Chỉ số chuyển đổi số.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt 1,38%/năm; đến năm 2030 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1.300.000 người; diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 33 m2 sàn/người; tỷ lệ thất nghiệp dưới 2,1%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hoà giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.
Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Ảnh minh họa.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu công nghiệp Phong Điền. Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, nhất là mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9-10%/năm, tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh (vừa được Chính phủ phê duyệt), Thừa Thiên – Huế cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430 - 450 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 cần 160-170.000 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn trong khu vực nhà nước chiếm khoảng 25%, còn lại là nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước). Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 270-280.000 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn khu vực trong nhà nước chiếm khoảng 16%, còn lại là nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước).
Số vốn của khu vực Nhà nước sẽ được quyết định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch ngân sách theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật ngân sách nhà nước; số vốn khu vực ngoài nhà nước, FDI phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương. Về cơ cấu nguồn vốn: tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài ngân sách, FDI và giảm dần tỷ trọng khu vực nhà nước.
Để thu hút đầu tư, Thừa Thiên - Huế cần đổi mới, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế…/.
THẢO NGUYÊN
Bình luận