Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 20:04
Thứ sáu, 11/04/2025 10:04
TMO – Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành trong triển khai các chương trình, kế hoạch về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Theo Quyết định, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng; Nông nghiệp và Môi trường; Y tế là Phó Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước để nhanh chóng khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành trong triển khai các chương trình, kế hoạch về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá két quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Quyết định trên nêu rõ, Quy chế hoạt động do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, ước tính hiện nay, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam là khoảng 800.000 tấn. Tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng hơn 5.500.000ha, tương đương với gần 17% diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Cả nước hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.
Trong suốt hàng chục năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là việc ban hành các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn. Đơn cử, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.
VĂN NHI
Bình luận