Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 01:01
Chủ nhật, 28/01/2024 12:01
TMO - Dự báo tổng lượng mưa năm 2024 sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, cùng với sự xuất hiện sự chuyển pha ENSO do đó, thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi rộng (cả khu vực Biển Đông), cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác vào cuối mùa.
Theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, nếu diễn biến như trên thì năm 2024 cần hết sức chú ý có thể hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Đồng thời báo/ áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể hình thành nhiều hơn, dự báo có từ 11-13 cơn bão. Đặc biệt, hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Chủ động triển khai các phương án ứng phó nguy cơ hạn hán. Ảnh minh họa.
Năm 2024 được dự báo tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, cùng với sự xuất hiện sự chuyển pha ENSO do vậy thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực Biển Đông, đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc vào cuối mùa. Cảnh báo cao điểm khô hạn, nguy cơ thiếu nước trong nửa đầu năm và được cải thiện khi mưa vào cuối tháng 5/2024. Trong đó nguy cơ thiếu nước tập trung ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Cần có giải pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, mùa khô năm 2023-2024 ở Ðồng bằng sông Cửu Long được dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn khả năng xuất hiện sớm, ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, từ tháng 1, 2 đến nửa đầu tháng 3, ranh mặn 4g/l vào sâu 50 đến 70 km; ở vùng hai sông Vàm Cỏ, tháng 3, 4 đến đầu tháng 5, ranh mặn 4g/l có thể xâm nhập từ 90 đến 100 km. Xâm nhập mặn có nguy cơ gây thiếu nước cho 56.260 ha lúa và ảnh hưởng cho khoảng 43.300 ha cây ăn quả. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển. Cũng theo dự báo, vụ đông xuân 2023-2024, có khoảng 4.600 đến 8.650 ha cây trồng nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Ðể chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi, chủ động các kịch bản nhằm triển khai ứng phó có hiệu quả, nhất là trong những tháng cao điểm mùa khô; theo dõi sát ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước. Ðồng thời, thực hiện tốt việc dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước để kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân biết. Từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ, nhất là tại khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long và miền trung, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, việc khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở Ðồng bằng sông Cửu Long; chủ động chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn; vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
QUỲNH VÂN
Bình luận