Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ ba, 13/08/2024 08:08
TMO – Một trong những nhiệm vụ về chuyển đổi năng lượng xanh trong giai đoạn 2022 – 2030 là xây dựng quy định, tiêu chí cho cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn "xanh"; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí “xanh”.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon, metan của ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm sau:
Lộ trình từ năm 2022 – 2030: Rà soát, đề xuất sửa đổi 05 bộ luật, luật chuyên ngành giao thông vận tải và các văn bản dưới luật để thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2030, định hướng đến 2050; Xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ; quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phương tiện thủy nội địa và tàu biển, tàu bay hoạt động tuyến nội địa;
Xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức,... liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, đóng mới, chuyển đổi, hoán cải phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng quy định, tiêu chí cho cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn "xanh"; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí “xanh”.
Mô hình xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch hiện đang được áp dụng tại một số địa phương.
Lộ trình từ năm 2025 – 2050: Thực hiện chuyển đổi các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ hiện hữu và xây mới đạt tiêu chí “xanh”; Nghiên cứu, phát triển, chuyển đổi công nghệ phương tiện, năng lượng, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển, bảo trì phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu công nghệ ITS trong quản lý, điều hành các lĩnh vực GTVT;
Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiện có ngành GTVT sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh và kết cấu hạ tầng xanh; Xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.
Thiếu trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện chuyển đổi
Tại cuộc họp ngày 6/8 về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, Bộ này đã rà soát, bổ sung các nội dung liên quan đến khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đồng thời đã ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô, xe máy điện; tổ chức xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường liên quan đến ô tô điện; quy định về số vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện cho các trụ sạc điện trong trạm dừng nghỉ; xây dựng "Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cũng cho biết đã thực hiện lồng ghép vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, dự kiến trình cấp thẩm quyền ban hành trước năm 2026; hướng dẫn quy trình kỹ thuật lắp đặt trạm/trụ sạc điện bảo đảm an toàn công trình hiện hữu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng công trình giao thông đô thị dành cho phương tiện giao thông xanh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết thêm, nhiều nước đã chuyển từ chính sách hỗ trợ người dân mua xe điện sang xây dựng hạ tầng, trạm/trụ sạc điện, nghiên cứu sản xuất pin; siết chặt quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết việc thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định 876/QĐ-TTg của các bộ, ngành chưa có lộ trình rõ ràng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông hết sức mạnh mẽ. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, báo cáo tổng thể về tình hình thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg. Trong đó chỉ rõ xác định mục tiêu, nhiệm vụ, cập nhật chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách đã được luật hoá, những bất cập, khó khăn. Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện Chương trình, rõ vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đề xuất "cơ chế điều hành liên ngành" như một số ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người sử dụng. Đối với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và UBND các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm có hướng dẫn tạm thời cho chính quyền địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông, cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí. Sớm trình Chính phủ cơ chế tính giá điện cho các trạm/trụ sạc điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.
THANH BÌNH
Bình luận