Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 12/02/2022 18:02
TMO - Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực để trồng và bảo vệ những khu rừng phi lao “thường xanh”, góp phần chắn sóng, chắn gió và nạn cát lấp, cát bay, duy trì màu xanh trù phú của dải đất ven biển Quảng Bình.
"Thường xanh” là thuật ngữ khoa học chỉ loài cây có tán lá tồn tại quanh năm, trong đó có cây phi lao. Cùng với những đặc điểm khác của cây, như: Thích ứng tốt với khí hậu ven biển, chịu được gió bão, cát vùi lấp, tái sinh chồi tốt, phát triển quanh năm… đây là loài cây lý tưởng để trồng ở rừng phòng hộ ven biển.
Bên cạnh những diện tích rừng phi lao tự nhiên hoặc do người dân các xã ven biển trồng tự phát, những năm qua, tỉnh đã tập trung trồng mới nhiều diện tích. Trong năm 2021 và 2022, hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tỉnh Quảng Bình đã trồng cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển xã Quang Phú (TP. Đồng Hới). Trong đó, trên diện tích 3ha thuộc khoảnh 3, tiểu khu 353A, số phi lao trồng trong dịp xuân Tân Sửu năm 2021 hiện sinh trưởng và phát triển ổn định.
Khu vực rừng trồng ven biển tại xã Quang Phú, TP. Đồng Hới
Ban quản lý rừng phòng hộ TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, trồng rừng phòng hộ ven biển là một trong những thách thức lớn bởi khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt cao, đất nghèo dinh dưỡng… Nhưng những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân, các diện tích rừng nơi đây cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt.
Tại khu vực rừng trồng mới trong dịp hưởng ứng Tết trồng cây năm 2021, Ban quản lý rừng phòng hộ thông tin thêm, ến thời điểm này, tỷ lệ cây sống là trên 95% và sinh trưởng tốt. Đây là con số rất cao đối với trồng rừng phòng hộ ven biển. Các khu vực rừng đại trà lân cận có tỷ lệ sống bình quân gần 75%, đạt yêu cầu đối với rừng phòng hộ ven biển. Với thời gian thực hiện trồng và chăm sóc kéo dài 5 năm, vào chính vụ trồng rừng (tháng 8 - 9 hàng năm), đơn vị tiến hành trồng dặm, thay thế các cây bị chết.
Cánh rừng trồng mới ven biển trong năm 2021 đang phát triển xanh tốt
Không chỉ rồng rừng trên những diện tích cát ổn định, TP. Đồng Hới còn mạnh dạn trồng thí điểm ở một số khu vực cát di động để thử sức chống chịu với hy vọng phủ rừng rộng hơn và hạn chế các diện tích cát di động trong khu vực. Để chăm sóc hiệu quả diện tích rừng này, Ban quản lý rừng phòng hộ TP. Đồng Hới đã khoan giếng và đầu tư hệ thống vòi tưới. Đội bảo vệ rừng ven biển đóng tại địa phận xã Quang Phú với 5 nhân viên có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng 5 xã, phường, gồm: Lộc Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh và Đồng Phú.
Khu rừng phi lao chắn cát mẹ Nghèng tại TP. Đồng Hới
Ngoài việc trồng mới, bảo về rừng phòng hộ, để thiết lập hàng lang xanh vững vàng ven biển trước biến đổi khí hậu, TP. Đồng Hới còn nỗ lực chung tay cùng nhiều tổ chức, dự án để phát triển cây phi lao ven biển.
Là địa phương đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với 68%, những năm qua, Quảng Bình không ngừng đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng. Năm 2021, toàn tỉnh đã trồng mới 268 ha phi lao trên diện tích rừng phòng hộ ven biển.
Năm 2022, cùng với việc chăm sóc, bảo đảm sự sinh trưởng ổn định của các diện tích rừng đã trồng, theo kế hoạch, Quảng Bình tiếp tục trồng 260 ha rừng phòng hộ gồm phi lao ven biển và bần tại các vùng rừng ngập mặn. Điều này đã tạo ra một “hành lanh xanh” vững chắc trong việc phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Bùi Thuyết
Bình luận