Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ tư, 13/07/2022 12:07
TMO - Liên tục những ngày qua, dông lốc, triều cường dâng cao… đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu, gây sạt lở tuyến đê biển Tây tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong hai ngày 10-11/7, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, dông lốc, ước tính tổng thiệt hại ban đầu trên 620 triệu đồng.
Theo đó, mưa lớn, gió mạnh đã làm tốc mái 25 căn nhà; sạt lở một đoạn đê bao sông Măng ở ấp Tân An, xã Chánh An, huyện Mang Thít chiều dài 40m, rộng 10m và sâu 7m. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ thu dọn, khắc phục, sửa chữa căn nhà bị thiệt hại nhẹ, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Mưa lớn kèm theo dông lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Đồng thời khảo sát, đánh giá để có biện pháp hỗ trợ, đối với đoạn đê bao bị sạt lở, chính quyền địa phương di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, đặt biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm và khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục thiên tai.
Tại tỉnh Cà Mau, dông lốc kèm nước biển dâng đã khiến 975 căn căn nhà bị thiệt hại (sập 123 căn, tốc mái 829 căn, hư hỏng 23 căn). Thiệt hại 0,56ha nuôi tôm, 168ha muối, 345ha lúa và 1ha hoa màu bị đổ ngã. Ước thiệt hại hơn 11,8 tỷ đồng. Triều cường còn trực tiếp uy hiếp đến đê biển Tây của Cà Mau. Đồng thời, 80 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1.708m (trong đó có 464m đường bê tông).
Mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường dâng cao ảnh hưởng trực tiếp nhiều đoạn đê trên tuyến biển Tây tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hiếu Nghĩa
Theo đó, sáng 12/7, đoạn đê biển Tây qua địa phận xã Khánh Bình Tây xuất hiện 3 vị trí sạt lở mới rất nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 110m. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao gây tràn cục bộ 3 vị trí với chiều dài 75m tại khu vực tuyến đê thuộc địa phận xã Khánh Tiến, huyện U Minh.
Trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng cứu đê khẩn cấp theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn tuyến đê biển trước nguy cơ bị vỡ trong mùa mưa bão năm nay; đồng thời cắm biển thông báo, phát cảnh báo và hạn chế người và phương tiện lưu thông qua đoạn đê nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Tại tỉnh Kiên Giang, trong 2 ngày 10-11/7/2022, do ảnh hưởng của vùng áp thấp ở Biển Đông, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân, ước tính tổng thiệt hại về vật chất ban đầu là hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang, mưa to, dông lốc làm một người ở huyện An Minh bị thương; đổ sập 12 căn nhà, tốc mái 36 căn tại các huyện Gò Quao, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Hòn Đất và hai thành phố Phú Quốc, Rạch Giá. Mưa to, dông lốc làm đổ ngã khoảng 30 ha lúa Hè Thu ở huyện U Minh Thượng; sóng to, đánh chìm một xuồng câu mực và hư hỏng một bè nuôi cá trên biển của ngư dân tại huyện Kiên Lương.
Các lực lượng ở xã đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang giúp dân khắc phục hậu quả do dông lốc. Ảnh: BĐBP
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ven biển, đảo theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, chủ động liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện hoạt động trên biển để thông tin, xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra trên biển. Các địa phương vận động người dân và tổ chức lực lượng xung kích hỗ trợ chằng chống nhà cửa, thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Ngày 13/7, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 3 ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt mưa lớn kèm lốc xoáy làm thiệt hại nhiều nhà dân. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất tập trung tại các huyện: Hồng Dân; Đông Hải; Phước Long và Hòa Bình. Tổng số nhà bị sập và tốc mái là 28 căn, ước thiệt hại ban đầu trên 230 triệu đồng.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, yêu cầu chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn, triều cường trên biển.
Nhà dân sập tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: VT
Theo dự báo, trong những ngày tới, gió mạnh trên biển kết hợp triều cường tiếp tục xảy ra nguy cơ đe doạ an toàn các tuyến đê và các hoạt động kinh tế ven biển Do vậy, để chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn trên biển, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều và các hoạt động sản xuất ven biển, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Đồng thời, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là các tàu nhỏ đánh bắt ven bờ; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dân cư, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, gia cố các khu nuôi trồng thuỷ sản khu vực cửa sông, ven biển; Tổ chức gia cố các tuyến đê biển có nguy cơ mất an toàn; triển khai lực lượng quản lý đê, lực lượng xung kích tuần tra, canh gác đê, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ bị sạt lở, tràn; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Minh Hòa
Bình luận