Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 22:11
Thứ tư, 21/08/2024 19:08
TMO - Tại Việt Nam, thị trường carbon đang trong giai đoạn phát triển với nhiều tiềm năng. Chính phủ đã và đang nghiên cứu các chính sách và quy định để thúc đẩy thị trường này, nhằm giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường. Mặc dù còn nhiều thách thức, như thiếu cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, nhưng với sự hỗ trợ của quốc tế và cam kết của các doanh nghiệp, thị trường carbon tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Phát triển thị trường carbon không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc thiết lập và quản lý hệ thống giao dịch phát thải. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các vấn đề về pháp lý, kỹ thuật và tài chính cũng là những rào cản không nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, thị trường carbon cũng mang lại nhiều cơ hội đáng kể. Thị trường này có thể tạo ra hàng ngàn việc làm mới trong các ngành công nghiệp xanh, từ sản xuất năng lượng tái tạo đến các dự án trồng rừng. Đồng thời, việc phát triển thị trường carbon cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không chỉ còn là vấn đề môi trường, mà ngày nay nó đang trở thành xu hướng của thời đại kinh tế. Trong thời gian tới, việc minh bạch thông tin các báo cáo về phát thải, chỉ số carbon... chắc chắn sẽ mang tính bắt buộc. Đơn cử, khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh là nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Các tiêu chuẩn "xanh" đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường. Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Do đó, phát triển thị trường tài chính xanh, trong đó then chốt là thị trường carbon, sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi xanh thành công. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
Để thực hiện được mục tiêu về phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển xanh, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, đặc biệt là thị trường carbon tuân thủ. Trước tiên, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Đại diện các tổ chức về môi trường quốc tế đã đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt từ khu vực công. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế carbon thấp cần chú trọng cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp. Đặc biệt là đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về carbon bảo đảm chất lượng, làm căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp và nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp đa dạng, linh hoạt các phương thức, công cụ, như cơ chế phát triển sạch, cơ chế tín chỉ chung, thị trường bắt buộc và tự nguyện…/.
HẢI YẾN
Bình luận