Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 08:01
Thứ tư, 21/08/2024 08:08
TMO - Trên thế giới có 3 hình thức thức vận hành thị trường carbon là bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức không liệt vào 3 loại trên, tương đối đơn giản là mang lên sàn mua bán. Singapore đang thực hiện theo hình thức này.
Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e). Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, cách thức và thời điểm vận hành khác nhau. Đơn cử, Liên minh châu Âu là nơi triển khai thực hiện thị trường carbon sớm nhất trên thế giới, vận hành vào năm 2005, đến nay trải qua 5 giai đoạn. Thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 3 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức trên toàn quốc từ năm 2022. Các nước, như Anh vào năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023. Trên thế giới có 3 hình thức thức vận hành thị trường carbon là bắt buộc, tự nguyện và tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức không liệt vào 3 loại trên, tương đối đơn giản là mang lên sàn mua bán. Singapore đang thực hiện theo hình thức này.
Về giá tín chỉ carbon, ở hình thức tuân thủ theo Điều 6 Thỏa thuận Paris sẽ không có giá tín chỉ carbon. Giá tín chỉ carbon chỉ có ở hình thức thứ nhất và hình thức thứ hai, được định giá thông qua đấu giá hoặc mua bán trên sàn. Giá tín chỉ carbon hiện phụ thuộc vào cung và cầu, phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực phát thải. Đơn cử như tại Hàn Quốc, hiện giao dịch khoảng 5-6 USD/tín chỉ, Australia 25 USD, Trung Quốc 10 USD…
Về việc vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, trong các quốc gia kể trên ở khu vực châu Á chỉ có Hàn Quốc là sớm. Các quốc gia khác, như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, hay các nước Nam Mỹ và nhiều nước khác cũng đang trong thời gian chuẩn bị vận hành như Việt Nam. Tức là, đặt mục tiêu đến năm 2025 vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, năm 2028 vận hành chính thức. Có thể có những quốc gia sẽ thúc đẩy lộ trình này lên sớm hơn 1-2 năm.
PHẠM DUNG
Bình luận