Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Thứ ba, 19/09/2023 19:09
TMO – Theo các nhà nghiên cứu, thế giới cần đầu tư 2.700 tỷ USD/năm để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và tránh nhiệt độ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C trong thế kỷ 21.
Một báo cáo vừa được công bố mới đây, các nhà khoa học cảnh báo, thế giới cần hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này nếu muốn tránh những tác động thảm khốc do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, báo cáo của Wood Mackenzie (Công ty tư vấn) cho rằng, phần lớn các quốc gia đều đang không theo đúng tiến độ hiện thực hóa mục tiêu khí thải vào năm 2030, chứ chưa tính đến năm 2050. Mức phát thải ròng bằng "0" được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng “0” nhất có thể, trong khi lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương.
(Ảnh minh họa).
Theo các chuyên gia, cam kết cắt giảm khí thải hiện nay của các chính phủ sẽ không thể ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C và thậm chí còn có thể khiến Trái đất ấm lên 2,5 độ C vào giữa thế kỷ 21. Các chuyên gia nhận định, để khử carbon ngành năng lượng cần đầu tư 1.900 tỷ USD mỗi năm và con số này phải tăng 150% - tương đương 2.700 tỷ USD/năm - thì mới giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khoảng 75% số tiền này cần tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và điện. Mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C dù rất khó khăn, song vẫn khả thi và phụ thuộc nhiều vào các hành động trong thập kỷ này.
Báo cáo của Wood Mackenzie cũng nhấn mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt trời cần trở thành nguồn cung điện chính của thế giới để hỗ trợ điện khí hóa ngành vận tải và sản xuất hydro xanh. Wood Mackenzie khẳng định dầu và khí đốt vẫn đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi có kiểm soát. Các biện pháp giảm phát thải carbon xuống mức thấp và bằng “0” sẽ tăng lên, song thế giới vẫn cần duy trì nguồn cung năng lượng bổ sung trong quá trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2021, gần 200 quốc gia dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Qua hiệp ước Glasgow, 197 quốc gia thành viên trong hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
LAN HƯƠNG
Bình luận