Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ hai, 13/05/2024 07:05
TMO - Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn những vướng mắc như: Nhiều địa phương chưa xây dựng và ban hành phương án thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, năm 2023, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 86,04%. 11/11 địa phương đều đạt chỉ tiêu tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2023 tỉnh giao. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 57,13%, chưa đạt chỉ tiêu 61%. Có 5/11 địa phương, gồm An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Vân Canh chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn năm 2023 tỉnh giao. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trong toàn tỉnh năm 2023 khoảng 768,13 tấn/ngày, chiếm 73,1% chất thải rắn sinh hoạt tổng lượng rác phát sinh.
Số liệu thống kê tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt quý I/2024 cho thấy, tỷ lệ thu gom tại đô thị đạt 89,12%. Trong đó, có một số địa phương có tỷ lệ thu gom đạt cao so với năm 2023 gồm An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 65,64%. Các địa phương có tỷ lệ thu gom đạt cao gồm: Phù Cát, Phù Mỹ. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trong toàn tỉnh quý I/2024 khoảng 800,02 tấn/ngày, chiếm 78,69 % chất thải rắn sinh hoạt tổng lượng rác phát sinh.
Tần suất thu gom tác thải tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chỉ từ 2 lên 3 lần/tuần, chưa đạt theo yêu cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, phần lớn các địa phương chỉ triển khai tăng tần suất thu gom từ 2 lên 3 lần/tuần, chưa đạt theo yêu cầu. Nhiều địa bàn có tần suất thu gom thấp hoặc chưa có dịch vụ thu gom. Năm 2023, toàn tỉnh có 288.731 hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom rác thải, tỷ lệ hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom rác thải toàn tỉnh đạt 76,78%, tăng 22,8% so với năm 2022.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về việc xây dựng Phương án thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cụ thể, chi tiết, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề cương hướng dẫn đến các UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đến nay 9/11 địa phương chưa xây dựng và ban hành phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh (trừ Tây Sơn và An Nhơn).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, phần lớn các địa phương trên cả nước chưa áp dụng hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo thể tích, khối lượng hoặc hình thức khác) vào quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn; khó triển khai trên thực tế và hiện nay Bình Định chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên đồng thời nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo và đã bổ sung mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố đối với nội dung thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Theo đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã có một số chuyển biến. Tuy nhiên, qua theo dõi, tình hình triển khai của các địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu do UBND tỉnh giao.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí ể mua sắm phương tiện đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ, tần suất thu gom rác thải.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng cán bộ, công chức thực thi công tác quản lý nhà nước về môi trường; xem công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm. Các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động người dân tuân thủ việc thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định và nộp tiền giá dịch vụ thu gom rác.
Đồng thời, các địa phương chủ động bố trí kinh phí, bên cạnh kinh phí bổ sung mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện để mua sắm phương tiện đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ, tần suất, mở rộng địa bàn thu gom rác và có giải pháp tăng tỷ lệ thu giá dịch vụ thu gom từ hộ dân. Bên cạnh đó, các địa phương ban hành chỉ thị để đảm bảo triển khai thực hiện đạt tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt do UBND tỉnh giao trong năm 2024.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cụ thể, chi tiết phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, hoàn thành chậm nhất đến ngày 15/5/2024. Trong đó, nội dung phương án cần nêu rõ phương thức, số lượng đơn vị thu gom, cơ cấu lại từng khu vực, phương thức thu gom, yêu cầu đặt ra về tần suất, tỷ lệ rác được thu gom.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính thống nhất hướng dẫn triển khai cho tất cả các địa phương trong tỉnh xây dựng giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo hình thức đồng/hộ trong năm 2024. Sau năm 2025, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu hình thức thu giá để quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (giá chi trả cho đơn vị cung ứng dịch vụ), giao Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng/giao nhiệm vụ.
Ngọc Hà
Bình luận