Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 19/02/2022 20:02
TMO - Tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các phong trào hưởng ứng giảm lượng rác thải nhựa ngoài môi trường, tái chế rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường bị chững lại; việc lạm dụng rác thải nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng.
Suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay, các hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến và giao nhận tận nhà dần trở thành xu thế. Vì thế, nhu cầu sử dụng các loại túi nylon, hộp nhựa, bao bì nhựa… để đóng gói sản phẩm theo đó tăng đột biến, dẫn đến việc gia tăng lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.
Ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã qua giai đoạn căng thẳng thì nhiều người dân và các cơ sở kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ thói quen sử dụng bao bì, vật dụng nhựa trong sản xuất, buôn bán.
Lượng rác thải nhựa tại thành phố gia tăng nhanh chóng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn
Tại nhiều hàng quán ăn uống, tiệm tạp hóa, siêu thị trên địa bàn Thành phố, đa phần người bán vẫn đựng thực phẩm, đồ uống trong các túi nilon, hộp xốp, chai lọ nhựa cho khách hàng. Ngay cả các chuỗi cửa hàng ăn uống có thương hiệu, từng sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường, nay cũng chuyển sang sử dụng các loại vật dụng nhựa dùng một lần để bán cho khách mang đi hoặc dùng tại chỗ.
Mặc dù, nhiều cửa hàng cũng chú trọng đến sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, nhưng khi đại dịch xuất hiện, đa số khách chuyển sang đặt hàng online thì mỗi lần giao hàng các cửa hàng đều phải bọc thêm 2 lớp túi nhựa và xịt khử khuẩn để khách yên tâm khi nhận hàng. Nhiều khách yêu cầu người bán phải gói hàng nhiều lớp.
Các giải pháp khác nhằm giảm thiểu chất thải nhựa đã được thành phố tiến hành ngay sau khi các hoạt động được trở lại bình thường. Trong đó, thành phố chú trọng đến tuyên truyền, vận động người dân phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa tại nguồn. Nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của việc phân loại rác.
Nhiều quận nội thành trên địa bàn thành phố tích cực vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn
Tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, sau một thời gian tích cực thực hiện tuyên truyền thì hiện nay nhiều hộ dân trong các khu dân cư đã thực hiện phân loại rác hiệu quả , tinh thần tự giác cao. Sắp tới, phường dự kiến làm việc với các chủ nhà trọ, đề nghị bố trí hai thùng rác để người thuê trọ thuận tiện phân loại. Ngoài ra, phường đang phấn đấu thực hiện chuyển đổi 100% phương tiện thu gom rác đạt chuẩn để tránh ô nhiễm môi trường.
Tại quận Tân Phú, UBND quận đã triển khai phát tờ rơi hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, tặng thùng rác hai ngăn để người dân phân loại rác tại gia đình. Đồng thời tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân. Sắp tới, quận Tân Phú sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình phân loại rác và đổi rác thải có khả năng tái chế lấy quà tặng hoặc vật phẩm có giá trị tương đương (đường, dầu ăn, bột ngọt, xà bông…).
Tại quận 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã phát động nhiều nơi tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể sử dụng, tái chế. Hội cũng tặng 41kg túi rác tự hủy sinh học cho các đơn vị và phấn đấu trong năm 2022, 100% cơ quan Quận 3 tập trung thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa, 80% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác tại nguồn.
Thành phố khuyến khích các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế đồ nhựa dùng một lần
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những mục tiêu quan trọng là hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân... trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, thành phố sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa. Thành phố cũng sẽ tiếp tục vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh… trên địa bàn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà thành phố đưa ra.
Theo đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilon cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì nhựa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm...
Hoàng Anh
Bình luận