Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 10:01
Thứ ba, 18/06/2024 16:06
TMO - Cây trôi và cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi thuộc khuôn viên đền Trung, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Trước đó, ngày 17/6 chính quyền cùng nhân dân địa phương xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ đón Quyết định và Bằng công nhận cây trôi và cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi là Cây Di sản Việt Nam.
Làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) là một trong những địa danh nổi tiếng gắn bó với nghề làm nón lá. Đền Trung là nơi thờ tướng Nguyễn Xí, và cây trôi, cây đa hơn 200 năm tuổi cũng là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh Cây Di sản Việt Nam tại địa phương này.
Tham dự buổi Lễ đón Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam, về phía Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, cùng với lãnh đạo, đông đảo người dân xã Phương Trung.
Cây trôi và cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi thuộc khuôn viên đền Trung, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Tại buổi Lễ, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã bày tỏ niềm vui và cảm ơn bà con đã giữ gìn được những cây cổ thụ quý giá. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, hoạt động Bảo tồn những cây cổ thụ hay Cây Di sản Việt Nam không chỉ thể hiện lòng biết ơn với các thế hệ đi trước, mà còn là thể văn hoá của người Việt, biết trân trọng quá khứ, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng tới bảo vệ sức khoẻ con người và bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học.
Đồng thời GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh hy vọng bà con cùng chính quyền địa phương sẽ chăm sóc cây cổ thụ - Cây Di sản tốt hơn để cây trường tồn lâu dài, tiếp tục gắn bó với đời sống sinh hoạt, tâm linh của cộng đồng người dân.
Cây trôi cổ thụ hơn 200 năm tuổi vừa được công nhận Cây Di sản tại khuôn viên đền Trung, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ, Trưởng Ban quản lý (BQL) khu di tích đền Trung cho biết, hoạt động bảo tồn những Cây Di sản này cũng là để tưởng nhớ, tôn vinh công đức của tướng Nguyễn Xí đối với nhân dân, nước nhà. Từ đó nhắc nhở các thế hệ tiền nhân cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Theo người dân kể lại, xưa kia nơi đây chính là vùng Tốt Động (Khu Ba Thá – Chương Mỹ và Cổ Lâm – Thanh Oai ngày nay). Vào năm 1426 các tướng lĩnh Nguyễn Xí và Đinh Lễ đã bao vây tiêu diệt hàng vạn quân Minh xâm lược, buộc tướng Vương Thông phải rút quân về nước. Những cây cổ thụ bên đền Trung – nơi thờ tướng Nguyễn Xí cũng chính là minh chứng của quá trình đánh giặc giữ nước còn được lưu giữ tại địa phương trong hàng thập kỷ qua.
Lãnh đạo xã Phương Trung khẳng định, sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho 2 cây gồm trôi và cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi đã trở thành niềm tự hào của làng Chuông, cũng như toàn bộ người dân trong vùng. Lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ quyết tâm vận động bà con cùng chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn những Cây Di sản Việt Nam. Nhân dịp này, UBND xã Phương Trung đã công bố Quyết định thành lập BQL Cây Di sản với Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung và 12 thành viên khác là cán bộ chủ chốt của địa phương.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận