Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 11:01
Thứ sáu, 18/10/2024 06:10
TMO - Số ca mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận đang tăng, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh hiện tăng đột biến, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch chủ động.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, lũy tích cộng dồn đến tuần 40/2024 tại Thanh Hóa ghi nhận 215 ca mắc và nghi mắc sởi tại 26/27 huyện/thị xã/thành phố. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở TP Sầm Sơn; huyện Thường Xuân; Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (42 ca có dịch tễ khám và điều trị); 3 ca có dịch tễ khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu 1-5 tuổi (chiếm 47%); dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21%). Hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vắc xin chứa thành phần sởi.
Số ca mắc sởi tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay. Chỉ tính riêng trong 3 tuần qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 107 ca mắc và nghi mắc sởi, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc tại 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, có thể đối diện với nguy cơ gia tăng số ca mắc ở các nhóm trẻ chưa được tiếp cận với vaccine chứa thành phần sởi; các ca mắc mới có thể giảm sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm chủng MR cho trẻ 1-5 tuổi và 6-10 tuổi trên địa bàn tỉnh trong tháng 10.2024.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa.
Tại các phường Bắc Sơn và Quảng Cư (TP. Sầm Sơn), từ ngày 5 đến 8/10/2024, ghi nhận loạt ca bệnh gồm 10 ca sốt phát ban nghi sởi có yếu tố dịch tễ liên quan; nhập viện vào điều trị tại Khoa Nhi, Khoa Nội Lây thuộc Bệnh viện Đa khoa TP.Sầm Sơn. Các bệnh nhân đã được cách ly, điều trị với tình trạng ổn định; kết quả xét nghiệm ngày 11/10/2024 có 7/11 có IgM (+); 8 bệnh nhân là những người có mối quan hệ gia đình, lây lan do tiếp xúc gần với nhau và tiếp xúc với 1 bệnh nhân được xác định mắc sởi trước đó. Ngày 11/10/2024, ghi nhận thêm 1 trường hợp nghi mắc sởi tại phường Quảng Cư, được hướng dẫn lên cơ sở y tế điều trị, hiện sức khỏe ổn định.
Tại xã Yên Nhân (Thường Xuân) từ ngày 6/10/2024, ghi nhận 5 trường hợp nghi mắc sởi tại các thôn Mỵ và Na Nghịu. 4 trẻ được nhập điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân; có 3/4 có kết quả xét nghiệm IgM (+). Khoa Nội lây - Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân đang điều trị cho 4 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có 3/4 bệnh nhi có kết quả xét nghiệm IgM (+). Các bệnh nhi nhập viện đều có bệnh lý nền đi kèm hoặc chưa kịp tiêm vắc xin. Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện đã tổ chức cách ly, điều trị tại phòng riêng thuộc khoa Nội lây. Hiện, sức khỏe các bệnh nhi ổn định.
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi (Ảnh minh họa).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thanh Hóa là địa phương có số ca mắc sởi cao thứ 2 ở khu vực miền Bắc. Nguyên nhân khiến số ca mắc sởi tăng nhanh là do thời tiết giao mùa Thu-Đông thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Đặc biệt, việc gián đoạn tiêm chủng trong 1 thời gian dài đã khiến tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu về miễn dịch cộng đồng. Đến nay, vắc xin sởi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng, do vậy, phụ huynh cần chủ động cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để chủ động phòng bệnh.
Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc bệnh để điều trị kịp thời và khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh rà soát lại cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, hóa chất, cơ số thuốc sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Các địa phương, đơn vị tổ chức hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; tiến hành rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung ngay vắc xin phòng bệnh sởi cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ đủ 18 đến dưới 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng và trong chiến dịch tiêm chủng do địa phương tổ chức.
Kiểm tra tình trạng tiêm chủng của trẻ, nếu trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi, hãy thông báo cho nhà trường, trạm y tế, tổ dân phố để được bố trí tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo. Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như: mở cửa sổ thường xuyên, có ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí.
Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,...gia đình phải thông báo ngay đến trạm y tế xã, phường, thị trấn; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Đến nay, vắc xin sởi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng, do vậy phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Lê Thành
Bình luận