Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ hai, 28/10/2024 08:10
TMO- Tối ngày 27/10, tại Thành phố biển Sầm Sơn đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng thời, cắt băng khánh thành Khu lưu niệm con tàu tập kết ra Bắc.
Tới dự lễ kỷ niệm gồm có Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Ngay sau Hiệp định Genevơ được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam và chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Có thể nói, đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Vào thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
“Lúc đó, mặc dù Thanh Hóa còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, do bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề. Song, với trách nhiệm trước Trung ương Đảng, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và những điều kiện cần thiết để đón đồng bào miền Nam tập kết.
70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của Nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý “Bắc - Nam một nhà”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá khẳng định.
Cách đây 70 năm, hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đặt chân lên mảnh đất miền Bắc theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Chính vì vậy, ngày 25/9/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử không thể nào quên, con tàu đầu tiên, đã rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con của miền Nam ruột thịt. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sỹ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
“Trong chiến tranh, chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh của mỗi địa phương, tương trợ lẫn nhau vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, phát triển và hội nhập. Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc; những gia đình có công lao đóng góp to lớn trong nuôi dưỡng đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra tại Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam và Nhân dân Thanh Hóa, mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn.
Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là Cụm tượng đài Con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm phát huy hiệu quả giá trị của công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Bởi, đây là nơi lưu giữ ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, của thành phố Sầm Sơn được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ là điểm tiếp nhận đầu tiên đón đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và con em miền Nam tập kết ra Bắc.
Các vị đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Với tình cảm và trách nhiệm, mong rằng cán bộ, đồng bào miền Nam, các nhà khoa học, chuyên gia, Nhân dân cả nước tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu vào Khu lưu niệm, để nơi đây thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hện nghi thức khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Hoài Thu
Bình luận