Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 28/02/2023 12:02
TMO - Những năm gần đây, khí hậu có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Chính vì thế, chủ động đưa ra những giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu là điều mà UBND tỉnh Thanh Hóa và các cấp, các ngành của địa phương hết sức quan tâm, chú trọng.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ lớn, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến, kỹ năng về phòng chống thiên tai; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh bão... 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo. Giai đoạn 2026-2030, giảm 40% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ lớn, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục duy trì các mục tiêu trong giai đoạn trên.
Thanh Hóa phát triển hệ thống rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phân vùng rủi ro thiên tai nhằm triển khai hiệu quả phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa chia thành 05 khu vực chịu rủi ro thiên tai cao. Cụ thể, khu vực ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão: Có 49 xã, phường thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển. Khu vực miền núi thường xảy ra các loại hình thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt lở đất: Có 17 huyện (trong đó có 11 huyện miền núi). Khu vực dân cư sinh sống ở bãi sông (trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố có đê) chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, sạt lở bờ sông.
Khu vực dân cư sinh sống ven sông (nơi không có đê) có nguy cơ ngập lụt khi có lũ: Tập trung chủ yếu ở vùng thượng lưu sông Mã (các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hoá), thượng lưu sông Chu (huyện Thọ Xuân), dọc triền sông Lò, sông Luồng thuộc huyện Quan Sơn. Khu vực dân cư sinh sống ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt khi có mưa lớn: Tập trung chủ yếu ở các lưu vực sông Yên, sông Bạng thuộc thị xã Nghi Sơn, sông Lèn thuộc huyện Hậu Lộc, sông Mã thuộc huyện Bá Thước, sông Mực thuộc huyện Như Thanh.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần rà soát điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cứu trợ cho các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa phòng, chống thiên tai, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về rủi ro, thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, trọng tâm là Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; có cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho người làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, hạn chế việc san lập ao, hồ, hệ thống thoát nước nội bộ trong đô thị và khu vực nông thôn.
Tỉnh Thanh Hóa chú trọng nhiệm vụ phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Đầu tư thiết bị bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thông tin về rủi ro, thiên tai; đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc, đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Đầu tư trang thiết bị phù hợp với từng vùng, miền bảo đảm truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo các rủi ro, thiên tai được kịp thời, có độ chính xác cao; phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống rủi ro, thiên tai phù hợp với từng vùng, miền.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ liên quan đến khí tượng, thủy văn và phòng chống thiên tai; sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính được tài trợ bên ngoài cho tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành và ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, giám sát, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu theo thời gian thực, ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong xây dựng kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Đối với nhiệm vụ phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai, tại hệ thống sông Mã, tỉnh Thanh Hóa định hướng giữ nguyên các tuyến đê hiện có; bổ sung xây dựng mới đê hữu sông Mã đoạn từ Quý Lộc - Yên Lâm, đê tả sông Lèn xã Nga Bạch và đê Đông sông Cung. Điều chỉnh xây dựng mới tuyến đê tả sông Mã thay thế cho tuyến đê tả sông Mã hiện có từ K60+150-K65; xây dựng mới đê tả, hữu sông Càn qua khu vực Hoàng Cương (xã Nga Thiện và xã Nga Điền, huyện Nga Sơn).
Với hệ thống sông Yên, sông Bạng: Giữ nguyên các tuyến đê hiện có; bổ sung xây dựng mới các tuyến đê tả sông Thị Long, huyện Nông Cống; tả, hữu sông Tuần Cung để dẫn lũ ra sông Bạng; tuyến đê suối Bột Dột, Khe Lườn, Cầu Ban - Thăng Bình phục vụ tiêu úng và chống lũ cho vùng III, huyện Nông Cống. Ngoài ra, với hệ thống đê biển: Giữ nguyên các tuyến đê biển hiện có; bổ sung xây dựng mới các tuyến đê: Đê biển Nga Sơn giai đoạn II; đê, kè biển xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương; điều chỉnh xây dựng mới tuyến đê, kè biển xã Hoằng Trường thay thế cho tuyến đê biển xã Hoằng Trường hiện có. Ngoài ra, xây dựng tuyến đường giao thông ven biển từ khu vực Cảng Cá (cửa Hới) đi dọc bờ biển về hướng Bắc đến đấu nối với đê biển Hoằng Phụ hiện có.
Hoàng Hải
Bình luận