Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 07:01
Thứ bảy, 08/04/2023 12:04
TMO - Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh việc quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, các cấp chính quyền đã đã chú trọng quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị và đạt kết quả bước đầu.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tỉnh Thái Nguyên xác định, sự cần thiết phải rà soát quy hoach các đô thị từ cách tiếp cận đô thị xanh, đô thị bền vững với nhiệm vụ trọng tâm xanh hóa cảnh quan đô thị; nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn theo loại đô thị. Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý, đầu tư xây dựng công viên, cây xanh-cảnh quan, cây xanh thể dục thể thao, mặt nước (gọi chung là công viên, cây xanh) trong dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh hiện nay có chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự hiệu quả.
Cụ thể, một số dự án chưa thực hiện được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các vị trí quy hoạch đất công viên, cây xanh; một số dự án đã bố trí quỹ đất cây xanh theo quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng, chưa đồng bộ dự án; cây xanh đã được trồng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không được thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa, để hoang, gây mất mỹ quan, thiếu an toàn cho người dân.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần quản lý hiệu quả, có kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện việc quản lý cây xanh trong các đô thị thuộc địa bàn theo phân cấp; khi thực hiện giải phóng mặt bằng triển khai các dự án khu đô thị, khu nhà ở cần tập trung ưu tiên nguồn lực để giải phóng mặt bằng các vị trí quy hoạch là công viên, cây xanh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý, đầu tư xây dựng công viên, cây xanh theo quy hoạch chi tiết và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giao đất, quỹ đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện đầu tư theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư sớm thực hiện đầu tư dự án theo quy định (ưu tiên thực hiện giao đất đã quy hoạch là đất cây xanh, hạ tầng). Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án khu đô thị, khu nhà ở đúng nội dung đầu tư và tiến độ thực hiện.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh Phát triển hệ thống không gian xanh tỉnh Thái Nguyên nhằm cải thiện môi trường sống, vật chất tinh thần, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí và đi lại đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và du khách. Bảo vệ và phát triển hệ thống không gian xanh, giữ gìn cân bằng sinh thái, cải thiện điều kiện vi khí hậu, vệ sinh môi trường phát huy vai trò “lá phổi xanh” của tỉnh Thái Nguyên. Xanh hóa cảnh quan, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới đô thị xanh. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng sống, Hạn chế tác hại của thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Căn cứ theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố Thái Nguyên và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam hệ thống không gian xanh của thành phố Thái Nguyên: Diện tích không gian xanh tự nhiên của thành phố Thái Nguyên được bảo vệ, gìn giữ và phát triển đến năm 2030 là 1.037,740 ha chiếm 46,72 % diện tích đất tự nhiên toàn Thành phố. Diện tích không gian xanh bán tự nhiên đến năm 2030 là 7,603,110 chiếm 34,23% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố.
Diện tích không gian xanh nhân tạo (là diện tích cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị, chưa tính đến cây xanh giao thông, cây xanh sử dụng hạn chế) của thành phố Thái Nguyên đến năm 2030 cần đảm bảo tối thiểu (theo quy hoạch sử dụng đất) là 224,1 ha đạt 1,0 % diện tích đất toàn đô thị với chỉ tiêu trung bình 5,28 m2/người. Trong đó diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thị là 208,26 ha với chỉ tiêu 6m2 / người và khu vực nông thôn là 15,28 ha với chỉ tiêu 2m2 / người.
Tại thành phố Sông Công, diện tích không gian xanh tự nhiên của huyện được bảo vệ, gìn giữ và phát triển đến năm 2030 là 204,420 ha chiếm 2,1 % diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Diện tích không gian xanh bán tự nhiên đến năm 2030 là 4.258,160 chiếm 43,76% diện tích đất tự nhiên toàn thành phốDiện tích không gian xanh nhân tạo (là diện tích cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị, chưa tính đến cây xanh giao thông, cây xanh sử dụng hạn chế) của thành phố Sông Công đến năm 2030 cần đảm bảo tối thiểu (theo quy hoạch sử dụng đất) là 44,2 ha đạt 0,45 % diện tích đất toàn đô thị với chỉ tiêu trung bình 5,64 m2/người. Trong đó diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực đô thị là 42,79 ha với chỉ tiêu 6m2/ người và khu vực nông thôn là 1,41 ha với chỉ tiêu 2m2 / người
Tại thị xã Phổ Yên, diện tích không gian xanh tự nhiênđược bảo vệ, gìn giữ và phát triển đến năm 2030 là 2,760.44 ha chiếm 10,68% diện tích đất toàn đô thị. Diện tích không gian xanh bán tự nhiên đến năm 2030 là 12,430.25 chiếm 48,1% diện tích đất toàn đô thị. Diện tích không gian xanh nhân tạo (là diện tích cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị, chưa tính đến cây xanh giao thông, cây xanh sử dụng hạn chế) của thành phố Sông Công đến năm 2030 cần đảm bảo tối thiểu (theo quy hoạch sử dụng đất) là ha đạt 0,43 % diện tích đất toàn đô thị với chỉ tiêu trung bình 4,72 m2 /người. Trong đó diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực đô thị là 96,26 ha với chỉ tiêu 6m2 / người và khu vực nông thôn là 15,1 ha với chỉ tiêu 2m2 / người...
Việc mở rộng không gian xanh trong quy hoạch, phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai.
Tại khu vực đô thị hiện có và các khu vực được quy hoạch để phát triển đô thị trong tương lai cần chú trọng phát triển hệ thống không gian xanh theo dự án để đảm bảo việc phát triển hệ thống không gian xanh được xây dựng đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch góp phần tạo cảnh quan, kiến trúc để xây dựng và phát triển đô thị và nông thôn bền vững. Các dự án quy hoạch hệ thống không gian xanh phải thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành và các tiêu chuẩn hiện hành để đảm bảo các dự án đồng bộ và hiện đại.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu trồng mới 7 triệu cây xanh trong đó, sẽ trồng khoảng 5 triệu cây xanh phân tán gồm cây xanh đô thị và cây xanh nông thôn. Qua đó góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững. Đối với công tác quản lý cây xanh đô thị, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống công viên, cây xanh tập trung công cộng trong các đô thị theo đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Mục tiêu tạo ra những điểm nhấn quan trọng trong phát triển đô thị, nâng cao giá trị quỹ đất đô thị, tạo môi trường sống tốt cho người dân, đáp ứng yêu cầu về vị thế các đô thị của tỉnh Thái Nguyên là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát toàn bộ quỹ đất công viên, cây xanh tập trung công cộng cấp đô thị theo quy hoạch, đánh giá khả năng thực hiện, xác định rõ loại hình công viên, cây xanh cần thực hiện phù hợp với từng địa phương, khu vực (công viên mở, công viên có kết hợp vui chơi giải trí hoặc công viên vui chơi giải trí, trong đó khuyến khích mô hình công viên tự quản tại các khu dân cư). Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư hoàn thiện hạng mục cây xanh, vườn hoa, cây bóng mát đường phố tại các dự án khu dân cư, khu đô thị đã và đang thực hiện, đảm bảo hoàn thiện đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của dự án. Đối với các dự án chưa được thẩm định, phê duyệt hạng mục vườn hoa, cây xanh cần thực hiện rà soát, bổ sung ngay các hạng mục đầu tư để tổ chức thực hiện.
Hải Dương
Bình luận