Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ năm, 24/08/2023 15:08
TMO - Sau 8 tháng theo dõi và chăm sóc bởi các chuyên gia trong và ngoài nước, hai cá thể chim hồng hoàng đã phục hồi bản năng và được thả về môi trường sống tự nhiên.
Theo Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, hai cá thể chim hồng hoàng đã được thả về tự nhiên tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Đây là hai trong số bốn chim hồng hoàng được Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận từ công an huyện Tiên Yên, Quảng Ninh bàn giao ngày 5/4/2019. Vào thời điểm đó, chim trưởng thành nặng hơn 2kg, ba chim non khoảng hai tháng tuổi, mỗi con nặng 0,8kg. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang chăm sóc 15 chim hồng hoàng trưởng thành, được thu giữ từ các vụ buôn bán động vật hoang dã nhiều năm qua.
Hai cá thể chim hồng hoàng được thả về môi trường sống tự nhiên. Ảnh: Ngọc Thành.
Trong nỗ lực tái thả chim hồng hoàng về tự nhiên, sau nhiều quá trình chuẩn bị, tháng 11/2022, một cặp chim đã được lựa chọn, di chuyển từ Hà Nội vào Quảng Bình để làm quen với môi trường và tập bay trong hệ thống lồng đặc biệt. Nhiều đơn vị đã cùng chung tay để thực hiện dự án đặc biệt ý nghĩa này như Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tổ chức Động vật Châu Á, Four Paws Việt, Vườn thú Nashville (Mỹ), Vườn thú Attica (Mỹ), Vườn thú Singapore, Vườn thú Bronx (Mỹ), Dự án hồng hoàng Nabula (Nam Phi), Quỹ nghiên cứu hồng hoàng Thái Lan, nhóm chuyên gia hồng hoàng thuộc IUCN...
Các chuyên gia cho biết, sở dĩ chọn Phong Nha-Kẻ Bàng để tái thả chim bởi nơi đây được bảo vệ tốt, có hệ sinh thái động vật, thực vật đa dạng. Đặc biệt, chim hồng hoàng tự nhiên ở đây ít, nên khi tái thả không phải cạnh tranh thức ăn, lãnh thổ, khả năng sống cao hơn.
Hồng hoàng hay phượng hoàng đất, là thành viên lớn nhất trong họ hồng hoàng (Bucerotidae). Hồng hoàng sinh sống trong các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Kích thước to lớn và màu sắc đầy ấn tượng của chúng đã góp phần làm cho chúng trở thành một phần trong văn hóa và nghi lễ của một số các bộ lạc địa phương. Hồng hoàng sống khá thọ với tuổi thọ đạt tới 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là loài chim nằm trong sách đỏ, được đánh giá là nguy cấp, quý hiếm, cần bảo vệ khẩn cấp.
PV và CTV
Bình luận