Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 17:01
Thứ hai, 20/01/2025 14:01
TMO - Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025” nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Trong đó, lễ dựng cây Nêu tại đình Kim Ngân là một trong những hoạt động nổi bật.
Đình Kim Ngân được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Lễ dựng Nêu, còn gọi là lễ Thượng tiêu, là một phong tục cổ truyền mang nhiều ý nghĩa dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Cây Nêu được dựng lên không chỉ báo hiệu sự khởi đầu mà còn mang ý nghĩa chào đón một năm mới tràn đầy may mắn, tài lộc và bình an.
Hòa chung không khí chào đón xuân Ất Tỵ 2025, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình khai mạc “Tết Việt - Tết Phố 2025” vào sáng ngày 19/1 (ngày 20 tháng Chạp) tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa và góp phần kết nối cộng đồng và giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Sự kiện còn 12 đoàn rước lễ trong cổ phục truyền thống, mang các lễ vật đặc trưng như: bánh chưng, mứt, trà sen, hoa đào,… diễu hành qua 16 tuyến phố, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách và báo chí.
Cây nêu ngày Tết tại đình Kim Ngân, nằm trong khuôn khổ chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025”.
Cây Nêu được làm từ cây tre già, cao hơn 20 mét, vươn thẳng. Trên đỉnh cây, treo các hình vật như: lá bùa, chuông gió và cá chép gỗ,… tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với ý nghĩa bảo vệ và xua đuổi tà ma.
Những dải lụa đỏ treo trên cây Nêu cũng tuân theo nguyên lý ngũ hành này, trong đó, ngọn lửa là biểu tượng của sức sống mãnh liệt và bình an. Để dựng cây Nêu thẳng đứng, cần đến sự hỗ trợ của nhiều thanh niên khỏe mạnh.
Bốn chữ “Kỷ nguyên vươn mình” được viết vào dải lụa đỏ treo trên ngọn cây nêu.
Bốn chữ “Kỷ nguyên vươn mình” được Thư pháp gia Hoàng Hữu Hùng thực hiện, thể hiện khát vọng đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới mục tiêu xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Theo truyền thống, cây Nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Công, ông Táo, và được hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng.
Du khách quốc tế và giới trẻ thích thú với hoạt động dựng cây Nêu ngày Tết.
Tại đình Kim Ngân, dịp này còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thống như: viết thư pháp, múa bồng, biểu diễn âm nhạc dân gian. Sự kiện thu hút đông đảo du khách quốc tế và giới trẻ tham dự, lưu giữ hình ảnh đậm nét văn hóa Việt Nam trong mỗi mùa Tết đến Xuân về.
“Mình rất yêu thích văn hóa Tết xưa, nên quyết định dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để tham gia lễ dựng cây Nêu. Mình thật sự bất ngờ khi thấy nhiều bạn trẻ cũng tham gia, ai cũng rất hào hứng. Sau khi xem xong, mình cảm thấy ấn tượng với nghi lễ và trang phục dân tộc, gần gũi hơn với truyền thống và tự hào về đất nước. Hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội như vậy trong tương lai”, Thu Hồng, 23 tuổi, xúc động chia sẻ.
Không gian Tết cổ truyền, tái hiện không khí Tết Hà Nội xưa tại đình Kim Ngân.
Được biết, chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025” sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó, có triển lãm nghệ thuật “Sắc Xuân Ất Tỵ 2025” và bộ sưu tập con giáp từ ngày 10/1 đến ngày 16/2 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (2 Lê Thái Tổ).
Từ ngày 14/1 đến ngày 28/1, tại không gian bích họa Phùng Hưng (14/1 - 28/1) sẽ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh dân gian và sản phẩm truyền thống, nơi nghệ nhân giao lưu và chia sẻ về nghề thủ công.
Các địa điểm như đình Kim Ngân, Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ được trang trí không gian Tết cổ truyền, tái hiện không khí Tết Hà Nội xưa. Ngoài ra, các triển lãm thư pháp, tranh lụa, sơn mài sẽ tạo cơ hội giao lưu văn hóa.
Đặc biệt, chương trình ca nhạc sẽ diễn ra tại các địa điểm như: hồ Hoàn Kiếm (đêm Giao thừa) và các đình Kim Ngân, Đồng Lạc (36 Hàng Đào) (30/1 - 2/2), mang đến không khí Tết cổ truyền gần hơn với cộng đồng./.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAM
Bình luận