Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ bảy, 29/01/2022 21:01
TMO - Thời nay, cuộc sống bận rộn, Tết với phần lớn các gia đình cũng thay đổi, mang một dư vị khác. Ở các khu vực thành phố, đô thị, cuộc sống ồn ã, hiện đại và vội vã, không ít gia đình thường chọn các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa thay vì tự mình chỉnh trang cho ngôi nhà của mình như trước đây. Việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cũng có dịch vụ.
“Tết cổ truyền” – Bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt
Chợ Tết giờ cũng khác rất nhiều. Khoa học công nghệ phát triển, các trang thương mại điện tử ra đời, rồi các mạng xã hội cũng được dùng để kinh doanh đã trở thành cánh tay đắc lực cho các bà nội trợ muốn thể hiện đảm đang. Với thời đại 4.0 hiện nay, chỉ một vài click chuột là bạn đã có thể mua sắm bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho Tết nhà mình, mà không cần phải chen chúc tại siêu thị hay mất cả buổi sáng để mặc cả ở chợ. Tiện lợi và hữu dụng là thế, nhưng cũng chính vì vậy mà hình ảnh cả gia đình cùng nhau đi sắm đồ Tết trong sự háo hức của con trẻ đã không còn quá phổ biến tại các phiên chợ Tết ngày nay.
Nhiều người nói, công nghệ phát triển làm mọi người xa nhau và cái Tết trong thời 4.0 cũng có phần phai nhạt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, công nghệ giúp kết nối, giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Trước đây, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, với những người xa xứ không có điều kiện về quê đón Tết thì Tết đến là những ngày đầy lạnh lẽo, buồn tủi, nhớ nhung. Ngày nay, khoảng cách về không gian dường như được rút ngắn lại, ngày Tết những người xa xứ cũng có cảm giác như được quây quần bên những người thân yêu khi các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, các mạng xã hội ra đời và ngày càng phát triển. Công nghệ đã mang những người trong gia đình đến gần nhau hơn trong thời khắc thiêng liêng.
Siêu thị, Trung tâm thương mại là nơi thu hút người dân nơi đô thị đến mua sắm dịp lễ, Tết.
Một vài năm trở lại đây, những hình ảnh pháo nổ rợp trời đã không còn quen thuộc với người Việt, mà thay vào đó chỉ bắn pháo hoa tập trung tại một số điểm đã được quy định sẵn. Cũng vì thế mà Tết bớt đi một thú vui đầy hấp dẫn.
Nếu như trước đây, tối 30 tết mọi thành viên trong gia đình thường quây quần bên mâm cơm tất niên, kể về những câu chuyện của một năm đã qua và cùng nhau xem chương trình Tết trên tivi, thì ngày nay, mọi người lại có nhiều lựa chọn hơn. Có những gia đình vẫn giữ được phong tục sum vầy bên mâm cơm cuối năm, nhưng cũng có những gia đình lại chọn cho mình các hình thức khác như đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết như trước, đây cũng là một cách đón tết khá mới lạ và thú vị. Với giới trẻ thì lựa chọn chuyến du xuân tới các vùng đất mới, để khám phá những văn hóa hay có những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm.
Những gia đình trẻ thì có xu hướng chung chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết”. Họ coi tết thì vẫn vậy, nhưng cách đón và cách tận hưởng ngày Tết đã có nhiều thay đổi, có những thay đổi tốt mang hướng tích cực cũng có những điều khiến chúng ta phải ngẫm lại suy nghĩ và nhớ nhung Tết xưa. Dù đang theo xu hướng Tết nay hay vẫn giữ cho mình những nét đẹp của truyền thống Tết xưa, thì hãy luôn nhớ rằng Tết là dịp sum vầy, vứt bỏ mọi nỗi lo toan của cuộc sống để quây quần và tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất bên gia đình và người thân.
Đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được uyển chuyển để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi... vẫn là nét đẹp trường tồn mãi mãi trong Tết cổ truyền của người Việt. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh trên khắp hành tinh, mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển để làm phong phú hơn.
Phụ trách chuyên đề Tết: Gia Kiệt
Thực hiện: Lê Hùng – Thu Quyên
Bình luận