Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 21:11
Thứ tư, 27/12/2023 19:12
TMO - Liên Hợp Quốc đề nghị các tổ chức trực thuộc cơ quan này không tổ chức hội họp vào ngày đầu của năm mới (tức ngày 01/01 âm lịch hàng năm).
Liên Hợp Quốc vừa thông qua Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm, đồng thời khuyến khích các tổ chức trực thuộc, thành viên không hội họp vào ngày đầu năm mới âm lịch. Nghị quyết đồng thời cũng nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao, việc Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trên không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán, mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên Hợp Quốc vào tháng 8 vừa qua và tích cực thúc đẩy vấn đề này.
Theo quy định, cán bộ nhân viên của Liên Hợp Quốc mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ. Nghị quyết được Đại hội đồng thông qua ngày 22/12 đã đưa Tết Nguyên đán trở thành một trong 10 ngày nghỉ lễ của tổ chức này kể từ năm 2024.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Tết Cổ truyền. Ảnh: T. Đạt.
Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) - Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.
Nguồn gốc Tết Nguyên đán hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, "Tết Nguyên đán" ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ "Tết Nguyên đán" cũng được phổ biến từ thời điểm đó. Còn theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.
Xã hội hiện đại, có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết.
Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa "không thành lời" nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết. Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại, dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống.
Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên. Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày Tết. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian,nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.
LAN HƯƠNG
Bình luận