Hotline: 0941068156

Thứ hai, 25/11/2024 21:11

Tin nóng

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Thứ hai, 25/11/2024

Tên gọi hồ Tây (Hà Nội) qua các giai đoạn lịch sử

Chủ nhật, 23/04/2023 13:04

TMOHồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Vẻ đẹp của hồ Tây là một nét chấm phá lãng mạn, thi vị trong bức tranh đầy màu sắc của Hà Nội, nơi gặp gỡ, ghi dấu kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội. Tuy nhiên, hồ Tây được hình thành thế nào và tên gọi thay đổi ra sao thì có lẽ không nhiều người biết đến.

Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất trong các hồ trên địa bàn Hà Nội, nằm ở vị trí phía Tây Bắc của trung tâm Hà Nội, có diện tích rộng khoảng hơn 500 ha với hệ sinh thái, động thực vật rất phong phú.

Từ xa xưa hồ Tây đã là danh thắng nổi tiếng của đất Thăng Long. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa đời nhà lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An. Ngày nay, hồ Tây được rất nhiều du khách biết đến, không những là một danh thắng nổi tiếng mà xung quanh hồ còn quy tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều khu du lịch vui chơi, giải trí, cùng với nhiều biệt thự sang trọng, soi bóng xuống gương hồ xanh thơ mộng.

Hồ Tây vốn là dòng sông cũ của sông Hồng, do phù sa bồi đắp đẩy dòng chảy chuyển dần về phía Đông mà tạo thành hồ Tây. Trên bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1470-1497) còn thấy ven hồ Tây thông với sông Tô Lịch và sông này lại có một nhánh thông ra sông Hồng, một nhánh nối với sông Thiên Phù.

Có thể do sự biến đổi của sông hồ cộng với sự thay đổi văn hóa từng thời đại qua các thời kỳ lịch sử, cũng như ý trí chủ quan của con người, nên trong dân gian đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về sự hình thành các tên gọi khác nhau của hồ Tây.

Đầm Xác Cáo

Theo truyền thuyết, đầm Xác Cáo có lẽ là tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi. Trong “Lĩnh Nam chính quái” do Vũ Quỳnh và Kiều Phú soạn vào khoảng năm 1492. Ở đây, tác giả kể: Xưa, ở vùng phía Tây kinh thành có hòn núi đá bên sông, dưới núi có hang động. Đó là nơi trú ngụ của con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm đã thành tinh. Nó gây bao tác hại cho dân lành, bắt con gái, đàn bà đưa về hang hãm hiếp, ăn thịt. Lại hoá thành quỷ, trêu ghẹo người đang mắc bệnh sợ đến chết. Người trong khu vực phải bỏ nhà cửa, làng xóm, ruộng nương mà lánh đi nơi khác.

Lạc Long Quân biết chuyện bèn tìm đến trừ họa cho dân. Cuộc chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Hồ Tinh dù lắm tài biến hoá song vẫn không thoát khỏi tay Long Quân. Nó bị giết, hiện nguyên hình con cáo khổng lồ chín đuôi. Long Quân giải thoát cho những người bị Hồ Tinh bắt giam dưới hang sâu, cho họ miếng đất cao gần đó để ở, lập thành làng Hồ Khẩu. Làng Cáo ở Xuân Đỉnh cũng do truyền thuyết này mà có. Sau đó, Lạc Long Quân dâng nước sông Cái tràn vào phá tan sào huyệt của con quái vật. Nước xoáy mạnh vào hang suốt mấy ngày đêm, bố hòn núi đá trôi đi mất tăm, chỗ ấy tụt xuống thành chiếc đầm lớn gọi là đầm Xác Cáo.

Một tài liệu khác lại ghi chép rằng: Huyền Thiên Chấn Vũ cũng vì thương xót và nghe lời cầu khẩn của dân chúng đã diệt trừ con cáo chín đuôi. Sau khi con cáo bị tiêu diệt, một hồ nước đã được tạo ra. Từ đó, hồ có tên là đầm Xác Cáo. Vị thánh sau này được thờ tại đền Quán Thánh, ngay gần hồ Tây.

Hồ Kim Ngưu 

Hồ Kim Ngưu gắn với truyền thuyết con trâu vàng. Song truyền thuyết này cũng được trong dân gian kể lại khác nhau. Truyền thuyết hồ Trâu Vàng kể lại rằng: Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Lý Triều quốc sư, được vua phương Bắc mời sang chữa bệnh trọng cho hoàng tử. Chữa khỏi bệnh, vua phương Bắc hỏi muốn thưởng gì? Minh Không chỉ xin một túi đồng đen. Nhà vua đồng ý ngay. Không ngờ Minh Không tài cao, hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi thần, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu lờ làm thuyền bơi về nước.

Khi về tới nước Nam Thiền sư Minh Không dâng đồng đen lên vua. Vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh thử, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng bên đó tưởng mẹ gọi chạy lồng sang tìm (đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây. Vua Lý phải cho ném chuông xuống hồ, trâu mới chịu yên. Tương truyền nhà nào sinh đủ 10 con, 5 trai 5 gái thì kéo được Trâu vàng và chuông đồng lên. Có nhà kia được chín con và một con nuôi là mười bèn ra thông báo. Trâu đã sắp nổi lên thì bà mẹ buột miệng nói “- Chín con đẻ không khỏe bằng một con nuôi!”. Trâu vàng biến mất. Ở làng Tây Hồ có di tích miếu thờ thần Kim Ngưu - Trâu Vàng là thế.

Tuy nhiên, câu chuyện khác thì kể rằng: Ngày xưa ở núi Tiên Du có con trâu vàng bị một Pháp sư yểm bùa, vùng dậy chạy. Chạy mãi, chạy mãi qua mỗi nơi, bằng sức mạnh của mình, nó đều tạo ra các dấu tích. Cuối cùng nó chạy tới đầu sông Tô gặp một hồ nước, nó nhao xuống bơi lội thỏa thích rồi ở luôn trong lòng như đứa con lưu lạc vừa tìm được mẹ. Từ đó, hồ Tây có tên là hồ Kim Ngưu.

Lãng Bạc 

Theo “Tây Hồ chí”, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, Tướng quân Mã Viện - tướng thứ 3 của nhà Hán - đã gọi hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Tên gọi này thể hiện ý nghĩa rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Tây như một vành trăng khuyết, cái lưng cong kéo từ Thôn Tây làng Đào Nhật Tân đến tận gò Mỏ Phượng đầu làng Thuỵ ôm giữa vào lòng là những bán đảo Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, nhô hẳn ra mặt nước cho ba bể sóng vỗ.

Dâm Đàm 

Tên gọi này cũng không biết chính xác được gọi trong thời gian nào, nhưng truyền thuyết thì Dâm Đàm có tên thật từ thời Lý-Trần với huyền tích Lý Nhân Tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, có thuyền tới gần, trên có hổ, Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hóa ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh, và ông cho rằng Dâm Đàm nghĩa là hồ mù sương. Câu chuyện về vụ Thái sư Lê Văn Thịnh mưu hại Vua Lý Nhân Tông được các sách ghi chép khác nhau: Vụ án Dâm Đàm này có câu chuyện hoang đường, đó chỉ có thể là một màn ngụy trang cho sự tranh giành quyết liệt trong nội bộ triều đình nhà Lý vào cuối thế kỷ XI và sự thất thế dẫn đến việc buộc phải ra đi của Thái sư Lê Văn Thịnh. 

Còn theo sách “Hồn sử Việt” thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du ngoại, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm (tức mù sương).

Tây Hồ

Sử sách ghi rằng: “Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó. Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Đoài Hồ

Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc, năm 1657 kiêng chữ Tây nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị ông ra lệnh đổi thành Đoài (quẻ Đoài thuộc phương Tây - ý nghĩa như nhau, âm và chữ khác nhau) như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là Hồ Tây hơn. 

Trải qua các chiều đại trong lịch sử, chỉ có vua Tây Sơn Quang Trung là không kiêng húy gì cả. “Đào Khê dã sử” có kể một câu chuyện lý thư rằng: Sau khi vua Quang Trung diệt xong quân Thanh, thống nhất đất nước, có lưu lại một thời gian để ổn định  Bắc Hà. Một hôm, nhà vua ngự thuyền chơi Tây Hồ có một văn thần họ Đỗ vốn là tiến sĩ nhà Lê đi theo hầu, muốn lấy lòng vua mới, đã tâu xin đổi tên hồ. Tuy nhiên, vua không đồng ý, bởi Tây Hồ là danh thắng của Thăng Long, người Thăng Long bao đời vẫn yêu quý Tây Hồ, lưu luyến Tây Hồ.

Hồ Tây đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi lại hình thành nhiều truyền thuyết khác nhau được dân gian truyền lại. Điều đó, đã tạo nên sự phong phú và đa dạng cho kho tàng sự tích, truyền thuyết của Thăng Long - Hà Nội nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Ngày nay, hồ Tây là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi của toàn dân. Mọi người rất thích tới đây chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên và ngẫm nghĩ, cảm nhận từng sóng gợn mặt hồ, đến những tiếng chuông văng vẳng từ một ngôi chùa nào đó hay ngắm nhìn mầu trời, sắc nước... Những cảnh thiên nhiên tĩnh lặng của Hồ Tây đã đi vào lòng người Hà Nội làm phong phú tâm hồn bao thế hệ đã từng sống ở đất Thăng Long này. Tuy nhiên, hồ Tây ngày nay đang phải chịu rất nhiều sức ép liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, đặc biệt là về quy hoạch. Trong đó, luôn thường trực nguy cơ bị thu hẹp không gian, diện tích và ô nhiễm môi trường. Do đó, cần phải có giải pháp tổng thể, phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hài hòa, thân thiện, bền vững.

 

 

Bảo Hân – Thảo Phương

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline