Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 01:11
Thứ tư, 05/10/2022 08:10
TMO - Đề án đề ra 2 giai đoạn để thực hiện, trong đó, giai đoạn 2022-2026 sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển mới của thế giới, chú trọng phát triển đội tàu có hiệu quả khai thác cao phù hợp với trình độ, khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, gia tăng thị phần vận tải quốc tế.
Đề án đặt mục tiêu phát triển đội tàu chuyên dụng container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới. Đề ra giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0.
Từng bước chuyển đổi sử dụng nguyên liệu sạch trong hoạt động vận tải biển.
Về tài chính, cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026. Miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 Tes trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG. Cùng đó, miễn thuế thu nhập cá nhân với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa....Trong giai đoạn 2026 - 2030, xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia hoặc là thành viên. Tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển; tiếp tục miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2… và các tàu chở LNG đến hết năm 2030.
Quốc Dũng
Bình luận