Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Chủ nhật, 15/05/2022 08:05
TMO - Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nguồn tài nguyên lớn, phong phú và đa dạng. Cần khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong vùng với tổng diện tích khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý hiếm và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên)
Thời gian qua, với sự quan tâm định hướng của Đảng và sự quyết liệt từ Chính phủ, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, áp dụng nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đã chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giúp bổ sung, khơi thông các nguồn lực. Nhiều địa phương đã tận dụng, phát huy tối đa cơ chế, chính sách và hỗ trợ của Trung ương qua việc triển khai Nghị quyết để phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những hành động cụ thể, chiến lược bài bản, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân năm trong giai đoạn 2011 - 2020 của vùng đạt 7,96%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Các hoạt động liên kết của vùng được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương, phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới.
Nhiều địa phương đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai... Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng cũng từng bước được đầu tư mới và hình thành một số tuyến đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội, cải thiện liên kết nội vùng, hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều khu công nghiệp được hình thành
Nhờ chủ trương đúng đắn, sự tập trung, kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả rất tích cực về thu hút đầu tư, trở thành các điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 1.800 dự án, tổng số vốn xấp xỉ 11 tỷ USD. Liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song tốc độ tăng GRDP của tỉnh vẫn đạt 7,82%.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường, trong giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã chuyển đổi khoảng 54 nghìn ha đất gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 - 8 lần. Đến nay, đã hình thành được một số vùng nông sản có thương hiệu như lúa, chè...Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cây ăn quả của vùng đã tăng từ 185 nghìn ha lên 250 nghìn ha và trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước. Một số loại cây ăn quả đã được xây dựng thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vải thiều, nhãn, cam, bưởi, xoài... Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, trong vùng còn quan tâm đến đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Bùi Hoàng
Bình luận