Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 05:11
Thứ sáu, 18/03/2022 16:03
TMO - Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng đã giải quyết nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho đồng bào vùng núi, nên việc phát triển loại hình du lịch này cần phải được quan tâm, đầu tư bài bản mang tính bền vững.
Bất cập hiện nay là không ít địa phương đua nhau xây dựng các Homestay; nhưng phục vụ khách du lịch theo kiểu “Tây” với các món ăn “Tây”. Sự chắp vá, cóp nhặt trong lối kinh doanh này sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng về mặt lâu dài, bởi bản sắc địa phương sẽ mất đi. Ngoài ra, một trong những điều đáng lo ngại và cản trở đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch, là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ.
Theo các chuyên gia, du lịch cộng đồng là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố: Du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân địa phương, chính quyền cơ sở. Du khách muốn thỏa mãn các nhu cầu du lịch, thì phải có các doanh nghiệp cung cấp, có người dân địa phương tham gia và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, định hướng. Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân muốn thu được nhiều lợi nhuận qua hệ thống dịch vụ, đều thành lập ban đại diện của những gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Ban đại diện là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt... để hài hòa lợi ích các bên.
(Ảnh minh họa)
Chuyên gia cho rằng, vì chưa chặt chẽ, nên du lịch cộng đồng hiện đang hoạt động theo hướng nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng, nên chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Thế nên phải khẳng định rằng, du lịch cộng đồng cần một tầm nhìn có tính quy hoạch, trong đó, mỗi địa phương cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như, cuộc sống cư dân địa phương, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt… nhằm bảo tồn các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.
Tạo sức bật cho du lịch cộng đồng
Theo các chuyên gia, để tạo sức bật cho du lịch cộng đồng rất cần sự tham gia tích cực của người dân bản địa; chú trọng phát huy mô hình du lịch cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”: Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng; Hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; Các doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan; Các nhà tư vấn tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Cần đẩy mạnh phát triển du lịch đồng gắn với gìn giữ cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Cần quan tâm xây dựng và nhân rộng sản phẩm mới chất lượng, giá thành hợp lý, bắt đúng nhu cầu thị hiếu khách hàng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát hiện để có thể mở thêm các tuyến du lịch hấp dẫn ở vùng sâu, vùng xa, kết hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của bà con dân tộc thiểu số; duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn nét văn hóa địa phương, đồng thời khai thác văn hóa vào phát triển du lịch.
Hơn nữa, việc phát triển du lịch cộng đồng không thể nóng vội, chạy theo phong trào mà cần có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Bởi vậy, các địa phương cần xây dựng những chiến lược dài hơi để phát triển, như xây dựng Đề án phát triển riêng cho du lịch cộng đồng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên ngành cần thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào và đề cao vai trò của người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.
Đồng thời, cần lưu ý tới tính liên kết trong vùng miền núi phía Bắc, phát huy tính liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, góp phần giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng.
Tổ chức Chuyên đề: Gia Kiệt
Thực hiện: Vũ Minh – Quỳnh Vân
Du lịch cộng đồng: Nhiều tiềm năng, thừa dư địa nhưng thiếu tính định hướng
Bình luận