Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ năm, 01/12/2022 13:12
TMO - So với giai đoạn 2011 - 2015 công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến. Tại các làng nghề, một số mô hình xử lý chất thải đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm.
Nhiều làng nghề trên cả nước hiện đã áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang…
Ðể khắc phục những bất cập về môi trường, nhiều địa phương cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường; ban hành nhiều đề án, dự án phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề; kết hợp đầu tư phát triển với thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quy định bảo vệ môi trường làng nghề, bước đầu đạt được một số kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng.
Tăng vai trò giám sát của cộng đồng về môi trường trong các làng nghề.
Theo giới chuyên gia, các làng nghề truyền thống những năm gần đây đã chuyển mình mạnh mẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân. Song đằng sau đó lại là biết bao hệ lụy lâu dài về sức khỏe, về môi trường mà chính bản thân những người dân làng nghề phải gánh chịu trước tiên. Do đó, các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề một cách bền vững luôn là bài toán khó với các nhà chuyên môn, các cấp quản lý. Từ thực tế trên cho thấy, cần đưa ra giải pháp để có thể cân bằng được 2 yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề.
Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước. Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được ban hành đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ sở sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề nhằm theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại làng nghề; đặc biệt tích hợp nội dung về công tác bảo vệ môi trường nông thôn thành một điều khoản riêng (Điều 58), trong đó, lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ.
Theo các chuyên gia, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; đặc biệt là môi trường làng nghề.
Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, giới chuyên gia cho rằng cần đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng; ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.
Phạm Yến
Bình luận