Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 08:01
Thứ ba, 27/08/2024 08:08
TMO – Lâm Đồng cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là phát triển 03 tiêu vùng động lực, 05 hành lang kinh tế..., tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển; Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (nhất là FDI và hình thức đối tác công-tư).
Tăng trưởng thấp nhất khu vực Tây Nguyên
Theo số liệu thống kê, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,97%, đứng thứ 58 cả nước và thấp nhất trong tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Trong mức tăng chung của toàn tỉnh, chỉ có 3 khu vực có chỉ số tăng trưởng, gồm khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,13%; khu vực dịch vụ tăng 5,05%; thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm tăng 3,8%. Còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Sáu tháng qua, toàn tỉnh có 735 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 3.925 tỷ đồng, tăng 2,7% về số lượng và tăng 1,3% về vốn đăng ký; có 537 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19,5% và 110 doanh nghiệp giải thể, tăng 8,9%. Toàn tỉnh có 230 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng thấp nhất khu vực Tây Nguyên. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế-xã hội địa phương 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm do nhiều nguyên nhân, như tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhà máy thủy điện; ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng một số nguyên nhân chủ quan, như tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại Lâm Đồng chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt (một số ngành có tốc độ giảm so với cùng kỳ như khai khoáng, sản xuất, phân phối điện và xây dựng). Nền kinh tế-xã hội của Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng bởi sai phạm, vi phạm của lãnh đạo tỉnh. Điều này cũng đã ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động thu hút đầu tư. 6 tháng đầu năm, Lâm Đồng chỉ có 1 dự án chế biến nông sản được đầu tư, trị giá 35 tỷ đồng.
Triển khai các giải pháp đảm bảo tăng trưởng
Trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới vào chiều ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Lâm Đồng nhanh chóng ổn định tình hình, ổn định đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng, các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả Quy hoạch Tỉnh nhất là phát triển 03 tiêu vùng động lực, 05 hành lang kinh tế..., tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển; Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (nhất là FDI và hình thức đối tác công-tư). Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị (TP. Đà Lạt, Bảo Lộc...), hạ tầng du lịch, dịch vụ; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo nhiều nội dung trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu (chè, cà phê, hoa, trái cây, alumin và sản phẩm nhôm...). Phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch (sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử, khám phá...).
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; có chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến. Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Lâm Đồng; chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, được đón nhận cơ hội và không bị bỏ lại phía sau. Thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng Lâm Đồng trở thành địa bàn chiến lược, vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp…/.
HOÀI AN
Bình luận