Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 16:01
Thứ hai, 08/07/2024 08:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. HCM đối mặt với những hạn chế, như: Tăng trưởng quý II thấp hơn cả nước; thu hút đầu tư FDI giảm 19,5%; giải ngân đầu tư công chỉ đạt 14,3%; tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 28,3% (số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng nhưng số vốn thì giảm).
Theo đó, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, lãnh đạo UBND TP. HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, một số ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. HCM tăng trưởng ổn định, cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng chung đạt 6,46%, tổng mức bán lẻ hàng hóa-dịch vụ tăng 8,8%, xuất khẩu tăng 13,1%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, thu ngân sách đạt 55,7% (tăng 18% so với cùng kỳ). Các hoạt động văn hóa-xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh của TP. HCM được bảo đảm. TP. HCM đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc, bước đầu mang lại kết quả nhất định.
Người dân TP. HCM vui chơi trong các dịp nghỉ lễ.
Theo đó, TP. HCM đã lập danh mục 50 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đang tập trung kiểm điểm, rà soát tiến độ theo từng tuần, từng tháng; cơ bản hoàn tất hồ sơ quy hoạch Thành phố, đang trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các nội dung về cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đang được triển khai và có kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong 6 tháng đầu năm, TP. HCM đối mặt với những hạn chế, như: Tăng trưởng quý II thấp hơn cả nước; thu hút đầu tư FDI giảm 19,5%; giải ngân đầu tư công chỉ đạt 14,3%; tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 28,3% (số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng nhưng số vốn thì giảm).
Biểu dương một số địa phương có mức tăng trưởng cao
Cũng trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, sau khi nghe các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường xuyên với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, lớp lang, hiệu quả hơn; với những vấn đề đột xuất phát sinh thì bám sát tình hình hơn, có kinh nghiệm hơn, phản ứng linh hoạt, hiệu quả hơn; với những tồn đọng kéo dài thì quyết liệt hơn, giải quyết triệt để hơn.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024.
Nhìn chung, tình hình 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch Covid-19 và tiếp tục xu hướng tích cực: Tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tính chung 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực và cả năm 2024 có thể cao hơn năm 2023. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh: Bắc Giang tăng 14,14%; Khánh Hoà tăng 12,73%; Thanh Hoá tăng 11,49%; Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Trà Vinh tăng 10,27%; Hải Dương tăng 10%.
Kết quả đạt được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những thành quả tích cực, cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; trong 6 tháng có 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,4%. Nợ xấu có xu hướng tăng. Đến hết tháng 6 còn 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (29,39% so với cùng kỳ là 30,49%).
Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết, như việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội. Một số bộ, cơ quan chưa đảm bảo thời hạn trình các dự án luật, ban hành văn bản quy định chi tiết. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin diễn biến phức tạp; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng…
Do đó, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, "say sưa chiến thắng"; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đồng thời quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Trong mọi trường hợp phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; ổn định chính trị xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế và thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…/.
ÚT MY
Bình luận