Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ tư, 08/03/2023 07:03
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể đảm bảo hài hòa các vấn đề, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong quy hoạch đô thị với tốc độ đô thị hóa ở mức cao (40% năm 2022 so với 30,5% năm 2010), đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: Tốc độ phát triển nhanh song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai và con người, năng lực quản lý còn hạn chế.
Việt Nam thuộc top 10 nước chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới; bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn.
Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về những tác động của biến đổi khí hậu, và nước biển dâng tới các đô thị ven biển của Việt Nam đã dự báo mực nước biển có thể dâng cao thêm 30cm vào năm 2050 theo kịch bản cực đoan nhất. Cũng theo kịch bản này, có thể có khoảng 4,5 triệu người thuộc các tỉnh thành ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Do đó, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể đảm bảo hài hòa các vấn đề nêu trên nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhận thức được những vấn đề trên, Việt Nam đã xác định quan điểm và định hướng phát triển đô thị phải theo hướng bền vững, xây dựng các đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hướng chỉ đạo cho quy hoạch phát triển đô thị hướng tới mục tiêu bền vững. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, khẳng định vai trò, vị thế của đô thị và đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi và phát triển đô thị Việt Nam toàn diện hơn, hệ thống và thống nhất hơn.
Đồng thời phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ nhằm nâng cao khả năng chống chịu, phục hồi của đô thị trước tác động của biến đổi khí hậu.
Nhằm tăng cường khả chống chịu, phục hồi cho đô thị trước tác động của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, trước hết thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Đây là nhóm nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, nhấn mạnh vài trò quan trọng trong thống nhất tư duy, hành động về đô thị, những cơ hội mà đô thị có thể mang đến cũng như những trở ngại nếu không giải quyết thấu đáo khoa học các vấn đề phức tạp của đô thị.
Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Nhóm nhiệm vụ này có vai trò nền tảng, thiết lập công cụ để tổ chức không gian, mô hình phát triển đô thị hiệu quả hướng đến tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực...; trong đó, nhấn mạnh sự đồng bộ giữa quy hoạch quản lý hành chính đô thị và quy hoạch phát triển đô thị.
Cùng đó là việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhóm nhiệm vụ này sẽ do các địa phương tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu rất cụ thể đã được Bộ Chính trị giao về tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, chất lượng đô thị theo phân loại từ loại III trở lên.
Nhóm nhiệm vụ tiếp theo là rà soát và xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành. Các bộ, ngành sẽ song song phối hợp trong việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, tiến hành các nhiệm vụ chuyên ngành. Cuối cùng là xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan để tạo ra hành lang pháp lý, khơi thông nguồn lực và các điểm nghẽn trong phát triển đô thị thời gian qua, tạo sức bật và lợi thế nhất định cho phát triển đô thị thời gian tới.
Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 379/QĐ-TTg, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn thiên tai khu vực đô thị như: nhiệm vụ, giải pháp chung đối với khu vực đô thị có yêu cầu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.
Bùi Hân
Bình luận