Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ năm, 01/09/2022 12:09
TMO - Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ có lượng mưa trung bình hàng năm thấp so với cả nước. Tình trạng khô hạn kéo dài, thiếu nước vào mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Khắc phục những trở ngại, tìm các giải pháp để chủ động được nguồn nước là ưu tiên hàng đầu được tỉnh Bình Thuận chú trọng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 78 hệ thống công trình thủy lợi gồm 21 hệ thống hồ chứa nước, 35 hệ thống đập dâng, 18 hệ thống trạm bơm và 4 hệ thống kênh nối mạng cung cấp nước đảm bảo cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất tại các địa phương.
Dù là tỉnh khô hạn nhất nước, nhưng hiện nay hệ thống thủy lợi Bình Thuận đã phủ kín từ những vùng khô hạn nhất như các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đều có nước dẫn về những cánh đồng mà ngày xưa vào mùa khô chỉ bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, trong thời kỳ 2001 - 2021 thủy lợi Bình Thuận đã có nhiều thay đổi lớn, khi sử dụng nguồn nước ở các lưu vực sông bên ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những công trình thủy lợi được vận hành góp phần giúp địa phương này nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Sơ
Theo đó, vào tháng 7/2001, Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành, làm cho lượng nước sông La Ngà điều hòa hơn, đây là cơ sở để ngành thủy lợi thực hiện hệ thống trạm bơm ven sông La Ngà (với gần 20 trạm bơm), tạo động lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cho vùng Đức Linh - Tánh Linh. Sau đó, đến tháng 4/2010, dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao được Bộ NN& PTNT khởi công xây dựng, công trình có năng lực thiết kế 27.090 ha tưới cho cả 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh.
Sau đó, đến tháng 4/2008, Nhà máy thủy điện Đại Ninh hoàn thành, làm cho lượng nước sông Lũy tại Bắc Bình nhiều hơn vào mùa khô. Đây là cơ sở để ngành thủy lợi địa phương thực hiện bổ sung nước vào hồ Cà Giây và chuyển nước về khu tưới hồ Sông Quao, thông qua tuyến kênh chuyển nước 812 - Châu Tá, bước đầu góp phần phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp của hai huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc.
Đến tháng 3/2009, bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, Bộ NN& PTNT tiếp tục khởi công xây dựng Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, giai đoạn 1, có nhiệm vụ cấp nước cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có nhiều công trình thủy lợi lớn như Sông Quao (8.120 ha), Cà Giây (3.965 ha), Sông Lòng Sông (4.260 ha), dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết (15.700 ha), đập dâng Tà Pao (27.090 ha), hồ Sông Dinh 3 (2.228 ha), hồ Sông Móng (4.670 ha), hồ Sông Lũy (4.120 ha) hình thành.
Những công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; khoảng 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Để khai thác cao nhất hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng” chuyển nước từ những nơi thừa tới những khu vực khô hạn, hoặc bổ sung nguồn nước cho những hồ thủy lợi thường xuyên cạn kiệt vào mùa khô.
Các tuyến kênh nối mạng giúp lượng nước được điều tiết ổn định cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BBT
Số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 15 tuyến kênh nối mạng với quy mô 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha; thực hiện kiên cố kênh mương nội đồng giai đoạn 2015 - 2021 đạt 60 km, giúp ổn định tưới cho 5.250 ha, nâng chiều dài kênh kiên cố toàn tỉnh 176,5 km (đạt 9,2%).
Những công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021), gấp 3,5 lần. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt 38 triệu m3 năm 2021.
Hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, sản lượng lương thực tăng liên tục hằng năm. Năng suất lúa từ 29,9 tạ/ha (năm 1992) tăng lên 59 tạ/ha (năm 2022); sản lượng lương thực tăng gấp 4,7 lần (846.626 tấn/ 180.242 tấn). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đến năm 2022, diện tích cây lâu năm đạt 113.100 ha, tăng 98.000 ha, gấp 7,49 lần so với năm 1992…
Tiến Nam
Bình luận