Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ sáu, 15/04/2022 16:04
TMO - Nhằm giảm thiểu lượng chất thải thải ra môi trường trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường thông qua hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị tài nguyên.
Thời gian qua, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các dự án điều tra, đánh giá các nguồn phát thải và đề xuất phương án giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải đạt mục tiêu kép về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo đó, đơn vị này đang triển khai: Kiểm kê nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, quan trắc, đánh giá hiện trạng khí thải, ô nhiễm bụi (PM10, PM2,5) và xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu khí thải, ứng phó khẩn cấp đối với các trường hợp ô nhiễm bụi để bảo vệ môi trường không khí tỉnh Quảng Ninh.
Tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là dự án điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ sau xử lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ.
Đất đá thải mỏ được các đơn vị tái sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng
Những năm qua, ngành than đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm, khối lượng đổ thải trên các khai trường khai thác than khoảng 150 triệu m3; trữ lượng các bãi thải hiện có khoảng trên 1,3 tỷ m3 đất đá. Để giảm thiểu nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân quanh khu vực, tỉnh và ngành Than đã thống nhất tận dụng nguồn đất đá thải mỏ này phục vụ san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật trên địa bàn.
Hoạt động của các nhà máy nhiệt điện cũng phát thải ra môi trường khối lượng lớn tro, xỉ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy nhiệt điện với khối lượng 35 triệu m3. Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng của phế thải trong hoạt động công nghiệp tới môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và ứng dụng nhiệt đới thuộc Trường Đại học Xây dựng triển khai Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tro, xỉ thải tại Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả để sản xuất vật liệu xây dựng” và Đề tài “Nghiên cứu thiết lập mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng để ứng dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Vỏ hàu sau thu hoạch được tận dụng chế biến thức ăn chăn nuôi
Cùng với phế thải từ công nghiệp, hoạt động nông nghiệp trong đó có nuôi hàu tại một số địa phương tại huyện Vân Đồn cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ lượng vỏ hàu của người dân sau khi thu hoạch thải ra nhiều. Để xử lý lượng vỏ hàu sau thu hoạch, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn đã thu gom, sử dụng công nghệ tái chế thành sản phẩm bột vỏ hàu làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phân bón cho các loại cây trồng.
Việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần giải quyết nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, giúp địa phương này thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Hồng Quyên
Bình luận