Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ tư, 04/01/2023 11:01
TMO - Hệ thống cây xanh giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan tại khu vực đô thị. Nhận thức được tầm quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ đất cây xanh, về diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Vĩnh Phúc có tốc độ đô thị hóa nhanh với gần 30 đô thị, 8 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp đang hoạt động, do đó, việc quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh có vai trò quan trọng, góp phần hình thành các không gian cảnh quan mang lại giá trị thẩm mỹ và môi trường, sinh thái, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
Đến nay, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị (gồm diện tích công viên, vườn hoa) toàn tỉnh khoảng 61ha. Hiện có 7 dự án các khu công viên cây xanh, quảng trường văn hóa, trung tâm văn hóa thể dục, thể thao với tổng diện tích gần 91ha đã được phê duyệt và đang triển khai đầu tư xây dựng...Sau khi hoàn thành, diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị sẽ tăng lên khoảng 152ha.
Trong những năm qua, việc quản lý cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng kể. Chỉ tiêu diện tích đất cây xanh bình quân trên đầu người tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị được tính toán đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc tổ chức trồng và quản lý cây xanh đường phố dần đi vào nề nếp, các loại cây trồng đô thị được trồng mới, thay thế cơ bản đảm bảo chủng loại, quy cách, kích thước theo tiêu chuẩn, số lượng cây xanh đường phố tăng, chủng loại ngày càng đa dạng, đồng đều về kích thước, độ cao, được chăm sóc, bảo vệ chuyên nghiệp hơn.
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị hiện vẫn còn một số tồn tại, hầu hết các địa phương chưa lập, phê duyệt kế hoạch cắt tỉa cây hằng năm theo thẩm quyền làm cơ sở chăm sóc, bảo vệ, dịch chuyển, chặt hạ đối với cây xanh đô thị; các địa phương cũng chưa thực hiện công tác thống kê, phân loại cây xanh và định kỳ kiểm tra, dẫn đến quản lý cây xanh đô thị thiếu tính khoa học, hệ thống; nhiều tuyến đường đô thị cây xanh do người dân, doanh nghiệp tự trồng nên không thống nhất về chủng loại, chiều cao, tuổi cây, không đảm bảo kiến trúc cảnh quan đô thị. Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình, khiến hệ thống cây xanh đối mặt với những rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, đồng thời thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị, góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ đất cây xanh, về diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Các khu vực bố trí đất cây xanh - công viên phải nghiên cứu có tính khả thi cao, có khả năng kết nối với các công trình hạ tầng xã hội khác của đô thị, của đơn vị ở. Đặc biệt đối với các đồ án quy hoạch chi tiết đô thị, trong quá trình lập, thẩm định cần xác định cụ thể: Chủng loại cây, tiêu chuẩn cây trồng, các hình thức bố cục cây xanh trong các khu chức năng, cây xanh trên đường phố.
Đối với hệ thống cây xanh hiện có tại các khu vực đô thị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển
Về thực hiện dự án đầu tư xây dựng có trồng mới, thay thế cây xanh, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố yêu cầu kiểm soát nghiêm với thiết kế cây xanh trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án, công trình có hạng mục cây xanh bóng mát đường phố, cây xanh khuôn viên trong trụ sở. Việc trồng cây xanh phải xác định cụ thể trong hồ sơ thiết kế, nội dung thiết kế đảm bảo tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy cách, chủng loại cây trồng, danh mục cây trồng phù hợp với quy định quản lý cây xanh của UBND tỉnh Vĩnh Phúc,…
Chủ đầu tư các dự án đầu tư công thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác trồng cây xanh của các nhà thầu thi công, tuân thủ theo thiết kế được duyệt, yêu cầu: Trồng cây phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt; cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây, theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
Đối với hệ thống cây xanh hiện có, Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; giới thiệu các quy trình kỹ thuật chuyên ngành và các văn bản cụ thể về quản lý cây xanh đô thị để các địa phương thực hiện; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh
UBND các huyện, thành phố: Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức nghiệm thu theo quy định. Khẩn trương ban hành danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn ở đường phố, công viên, vườn hoa và các khu vực công cộng khác thuộc địa bàn quản lý.
Tổ chức lập hồ sơ quản lý cây xanh đô thị: tổ chức thống kê về số lượng, kiểm tra đánh giá chất lượng, tình trạng phát triển, đánh số cây, lập danh sách, phân loại cây kèm theo bản vẽ vị trí cây cho từng tuyến phố, khu vực đô thị; xác định cây nguy hiểm, cây cấm trồng, hạn chế trồng để có kế hoạch chăm sóc, di chuyển, chặt hạ và trồng thay thế kịp thời. Đối với cây cần bảo tồn, cây cổ thụ, ngoài việc thống kê, phân loại, đánh số, phải treo biển tên và lập hồ sơ cho từng cây để phục vụ công tác quản lý, chăm sóc cây.
Nguyễn Mai
Bình luận