Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ tư, 13/09/2023 14:09
TMO - Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng gia tăng, tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng cường triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2022 khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, khối lượng trên phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương hầu như chưa được phân loại hoặc được phân loại nhưng chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả còn chưa cao.
Với thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc gia tăng khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cần có biện pháp thu gom, xử lý hiệu quả, trong đó phân loại rác tại nguồn được đánh giá là giải pháp hiệu quả.
Cùng với đó, phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước; áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Ngoài ra, thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, có 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu. Hết năm 2025, giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%. Đầu tư mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Có 90 - 95% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt trên 30%.
Khoảng 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, vận chuyển tới những cơ sở tái chế và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn xã nông thôn mới đạt trên 30%... 100% chất thải rắn nguy hại từ các hoạt động sản xuất, cơ sở y tế và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu....
Người dân trên địa bàn xã Long Sơn, TP Vũng Tàu thực hiện phân loại rác ngay tại nhà. Ảnh: QV.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 2025, bao gồm: Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn; cơ chế chính sách và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác ngăn ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý chất thải nhựa.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các dự án, nhiệm vụ giải pháp thực hiện đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ cập nhật, bổ sung và tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm: Quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn; cơ chế chính sách và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn; công tác ngăn ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý chất thải nhựa.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động của cơ quan, đơn vị tích cực tham gia thực hiện tốt các hoạt động về phân loại, tái sử dụng chất thải rắn; phối hợp, tổ chức xây dựng phong rào, liên minh chống chất thải nhựa.
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT) đã quy định cụ thể. Vấn đề quan trọng là việc thực thi cũng như đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống từ phía chính quyền các cấp địa phương. thời gian tới, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa.
Trong đó, trọng tâm là tập trung hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc này được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bãi rác, đặc biệt là hướng tới việc biến rác thải thành tiền. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chếsản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định sẽ đôn đốc các địa phương triển khai các chính sách hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.
Lê An
Bình luận