Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Chủ nhật, 26/05/2024 07:05
TMO - UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tình hình thiên tai năm 2024 tiếp tục diễn biến bất thường, phức tạp và khó đoán. Trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng dông, lốc, mưa, sét, mưa đá… Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, đê điều xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ, đặc biệt là đối với các công trình đang thi công dở dang; điều tiết, vận hành công trình theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội và các địa phương chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ; tuyệt đối không cắt xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung nhiệm vụ, quy trình vận hành của các hồ chứa trên địa bàn. Tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn, đập, hồ chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, tham mưu UBND tỉnh quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống thiên tai. Ảnh: BTN.
Tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng thường trực, sẵn sàng tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu; triển khai theo kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng các phương tiện của các lực lượng trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, vận hành các công trình thủy lợi được giao đúng quy định; tăng cường công tác phối hợp với chính quyền phương, lực lượng công an và các đơn vị có liên quan kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, giải quyết và xử lý vi phạm dứt điểm theo quy định.
UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, bổ sung và triển khai có hiệu quả kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai đã phê duyệt; duy trì chế độ trực ban, báo cáo kịp thời, chính xác các thông tin, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn; tuyên truyền hộ gia đình, cá nhân chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình đảm bảo an toàn trước thiên tai hoặc di dời đến nơi an toàn; không xây dựng nhà ở hoặc cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai.
Những năm gần đây, ảnh hưởng của các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại cả về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống, ứng phó. Là địa phương miền núi đặc thù của tỉnh, huyện Định Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai. Trong đó, sạt lở đất là trong những nguy cơ lớn ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tím kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Định Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phòng NN&PTNT huyện Định Hoá cho biết: Cùng với việc chủ động xây dựng phương án về PCTT-TKCN, huyện còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và cảnh báo về thiên tai; tăng cường phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là tại những khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyên cũng đã tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất, đá cao.
Tại TP.Phổ Yên, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hàng năm, Phổ Yên đều chịu ảnh hưởng của 5 - 6 cơn bão và 7 - 9 đợt áp thấp nhiệt đới gây ra mưa to dễ xảy ra úng lụt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tính mạng, tài sản của nhân dân. Trên địa bàn có 2 con sông chảy qua; về mùa mưa nước dồn về từ thượng nguồn dễ gây úng lụt...các ngành chức năng của thành phố và các xã, phường đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ đê, kè; xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các hành vi vi phạm. Nhờ đó, đến nay đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Các địa phương chủ động phương án, sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhất là trong mùa mưa bão.
Đại Từ là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận thiên tai, ở các khu vực chân dãy Tam Đảo, dưới chân núi Hồng thường xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét. Gần nhất, năm 2023, mưa lốc gây tốc mái hơn 600 nhà dân và ngập úng, sạt lở, thiệt hại ước tính khoảng 9,5 tỷ đồng. Lũ về nhanh và sạt lở cũng thường xuyên đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Chính vì vậy xác định nguy cơ và chủ động phòng tránh là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Để giảm thiểu nguy cơ, thì việc vận hành các công trình thủy lợi lớn, điều tiết nước, giữ một vai trò quan trọng. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng công trình và đưa ra các giải pháp quản lý an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão luôn được đơn vị quản lý, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tiến hành kiểm kê trang thiết bị phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thiên tai và TKCN; kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương…. Tại Thái Nguyên, trong năm 2023 xảy ra 11 đợt thiên tai (mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,…). Thiên tai đã làm 3 người chết và thiệt hại về tài sản ước khoảng 24,3 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 trận mưa dông kèm theo lốc, sét làm 1 người bị thương; 370 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng; trên 500 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 4.000ha cây trồng bị ảnh hưởng… Tổng thiệt hại ước tính trên 18 tỷ đồng.
Lê Hồng
Bình luận