Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 27/04/2023 13:04
TMO - Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu các Sở, ngành có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường cho rác thải rắn sinh hoạt ở địa phương, cơ sở.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Yên Bái, thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã đổi mới, hoàn thiện thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hoàn thiện một bước tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt;
Đồng thời, các ngành chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quan tâm bố trí đủ ngân sách chi trả cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Tăng cường năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung khu vực đô thị, nông thôn; đóng cửa theo lộ trình các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt đặt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư 13 lò đốt CTRSH phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bằng nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4% và khu vực nông thôn đạt trên 51,2%.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, sau 2 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7% (hoàn thành mục tiêu theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái); 1 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cụm xã được đầu tư và đi vào hoạt động (tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên); đang triển khai đầu tư xây dựng 2 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cụm xã tại huyện Yên Bình (xã Vĩnh Kiên, xã Cảm Nhân).
Các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt còn lại sẽ triển khai trong 2 năm 2023 - 2024 theo Quyết định số 1911/QĐ-UBND ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án cấp bách, ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, có 8 lò đốt đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước (tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải và Trạm Tấu), dự kiến hoàn thành trong năm 2023, 2024.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu ban cán sự đảng UBND tỉnh phải tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, so sánh tiến độ đã được phê duyệt trong đề án để đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu phần việc. Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc chậm trễ, chậm tiến độ, thậm chí phải thay đổi bổ sung…
Tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện đề án đến năm 2025 đảm bảo cụ thể, chi tiết đến từng phần việc và nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan phối hợp, các cấp uỷ chính quyền đoàn thể từ tỉnh đến địa phương. Sở TN&MT rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện các phần việc đang chậm tiến độ để đảm bảo tổng tiến độ thực hiện đề án đến năm 2025. Nhất là các khu xử lý CTRSH tập trung, xử lý nâng cấp đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Văn Yên xử lý các tồn tại, vướng mắc và các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành lò đốt rác thải tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, hoàn thành trong quý II/2023.
Trong thời gian tới, mục tiêu xây dựng và đưa vào vận hành các lò đốt rác thải được UBND tỉnh nhấn mạnh triển khai. Ảnh: BYB.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương; nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình về thu gom, vận chuyển, quản lý vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng các nội dung tuyên truyền tiêu chuẩn quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là đối với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt...
Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, xây dựng phương án bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư khu xử lý CTRSH tập trung, xử lý, đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng và đưa vào khai thác vận hành các cơ sở xử lý CTRSH tập trung trên địa bàn, bảo đảm tiến độ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý CTRSH; xóa bỏ toàn bộ các điểm tập kết, tồn lưu chất thải rắn sinh hoạt tự phát, bảo đảm chấm dứt tình trạng xả rác không đúng quy định trên địa bàn; nâng cấp, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn.
Thu Nga
Bình luận