Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 19:11
Chủ nhật, 02/04/2023 13:04
TMO – Ngành thủy sản cần đồng bộ từ quy hoạch đến sản xuất và phát triển thị trường để đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, ngành thủy sản về cơ bản có đầy đủ quy hoạch của ngành, như quy hoạch tôm, cua, cá tra… nhưng ở cấp tỉnh mới chỉ có một số tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch. Điều này cũng cho thấy chưa có sự hài hòa giữa phát triển thủy sản và du lịch ở các tỉnh có biển. Tuy đầu năm 2023 tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới. Để giúp ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng, không còn gì khác là bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản.
Nuôi cá lồng trên sông. Ảnh: Khánh Long
Các chuyên gia cho rằng, để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản cần phải tập trung 3 trụ cột, đó là sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, động lực để phát triển xuất khẩu thủy sản cũng cần lưu ý đó là đáp ứng xu thế tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam có nhiều lợi thế. Các chuyên gia cho rằng, có 3 vấn đề liên kết ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đó là tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.
Năm 2022 là năm khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng, đặc biệt thủy sản. Chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản đạt con số 11 tỉ USD, đây là một dấu mốc lớn. Ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản. Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.
Trước đó, ngành thủy sản hiện đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỉ USD. Với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển. Theo các chuyên gia, để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành thủy sản phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra.../.
Thiên Lý
Bình luận