Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 15/08/2022 22:08
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường kiểm soát các chất thải từ các hoạt động vùng bờ như: từ các chợ cá, cảng cá, cảng biển… khu vực nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ; các chất thải từ các hoạt động ven bờ cần được thu gom và xử lý đúng nơi quy định.
Nhằm nâng cao chất lượng môi trường trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn đề nghị các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, phòng ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động vùng bờ.
Cụ thể, Sở TN&MT tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát, tuyên truyền đối với các chủ tàu về vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, nước thải từ tàu thuyền, nước súc rửa tàu phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển.
UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường đối với các chủ tàu. Ảnh: Thanh Trần
Đồng thời, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các dòng xả nước thải ra môi trường, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp ven biển trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương có kế hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn trôi nổi tại các vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ môi trường vùng bờ. Riêng chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý theo quy định.
Thời gian qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, tổ tự quản giảm thiểu rác thải nhựa, đưa rác thải nhựa từ các phương tiện đánh bắt trên biển vào bờ thu gom đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường đại dương,…Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình hiện có khoảng 70% người dân làm nghề biển với 130 tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn, bình quân mỗi thuyền có từ 7-8 lao động, còn tàu câu mực thì khoảng từ 30- 40 thuyền viên/tàu trên một chuyến ra khơi dài ngày.
Ngư dân vận chuyển rác thải nhựa vào bờ sau những chuyến ra khơi dài ngày. Ảnh: Thanh Chung
Trước thực trạng phát sinh lượng lớn rác thải nhựa trong những chuyến ra khơi, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh phát động mô hình “Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền”, kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom lon, vỏ chai, bao ni lon qua sử dụng và mang vào bờ được nhiều ngư dân ủng hộ.
Ngoài ra, Sở TN& tỉnh Quảng Nam khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đề nghị chủ phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu có nguy cơ gây sự cố tràn dầu trên biển phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và được cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương hằng năm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho cộng đồng dân cư ven biển và các đối tượng thường xuyên hoạt động trên biển. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng tường tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa để hạn chế phát thải ra môi trường.
Hiện các địa phương có chợ, bến cá ven biển như Tam Quang, Tam Tiến (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình), Duy Hải (Duy Xuyên) thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh; tuyên truyền các tiểu thương hạn chế sử dụng túi ny lon và bỏ rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn môi trường biển.
Các lực lượng trên địa bàn tỉnh phối hợp ra quân thu gom rác thải tại khu vực ven biển. Ảnh: Văn Vinh
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 nhằm bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 phấn đấu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom; 90% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn tỉnh.
Riêng Khu bảo biển Cù Lao Chàm không còn rác thải nhựa; thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa tại khu vực lưu vực cửa sông Vu Gia - Thu Bồn và 2 xã đảo Tân Hiệp, Tam Hải.
Đến năm 2030, địa phương phấn đấu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Hải Long
Bình luận