Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Thứ hai, 06/11/2023 19:11
TMO - Việc tăng cường hợp tác với các tổ chức trong khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho ngành điện là rất quan trọng, hoạt động này góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đến cuối năm 2022, thế giới đã có trên 30 quốc gia ban hành chiến lược phát triển hydro xanh, bao gồm 9 chiến lược được công bố mới vào cùng năm, ngoài ra thêm 7 quốc gia đang trong quá trình xây dựng chiến lược, trong đó hơn 1/4 các chiến lược này được các quốc gia xây dựng theo định hướng xuất khẩu. Tùy thuộc vào điều kiện khác nhau của mỗi quốc gia, nền kinh tế, đặc điểm chung là giải pháp phát triển “hydro xanh” đều tham gia vào định hướng chuyển dịch năng lượng và được quan tâm đầu tư với những cơ chế, chính sách phù hợp.
Theo các chuyên gia, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Tại Mỹ, dự báo đến năm 2030, nền kinh tế kinh tế xanh sẽ tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp vào GDP tương đương 1.300 tỷ USD/năm; với các nước OECD con số này là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ USD/năm. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh/sạch, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh...
Năng lượng xanh góp phần giảm phát thải.
Với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đặc biệt với những nỗ lực trong hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện đang được đánh giá cao với quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô vốn FDI trên 445 tỷ USD và độ mở nền kinh tế trên 200%, vị thế địa - chính trị ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khả năng chống chịu của nền kinh tế, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Phát biểu trong Diễn đàn cấp cao Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; cùng với đó là Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó xác định rõ tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Đồng thời, tăng trưởng xanh cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam không ngừng nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
Để đạt được mục tiêu tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá và quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để tiến trình “hydrogen hóa” diễn ra một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị và trang bị kỹ càng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh; đồng thời, không ngừng học hỏi và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đi trước để tối ưu hóa trong nghiên cứu và thử nghiệm, đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng công bằng, chi phí hợp lý và thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giai đoạn từ sau năm 2035 là nhiệm vụ quan trọng, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn do sự sẵn có của nguồn nhiên liệu thay thế, công nghệ thay đổi liên tục, quy mô phát triển, chi phí nhiên liệu, phân định vốn/huy động vốn… Do đó, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức trong khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho ngành điện là rất quan trọng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
THANH BÌNH
Bình luận